Tập thể dục giữa giờ giải tỏa stress, đẩy lùi nguy cơ bệnh tật
Sau khi Bộ Y tế phát động tập thể dục giữa giờ làm việc, nhiều đơn vị, DN đã hưởng ứng triển khai, giúp người lao động bảo vệ sức khỏe.
Tăng tinh thần làm việc
Từ giữa tháng 3/2019 đến nay, cứ vào 10 sáng và 15h chiều các ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu trong tuần, các cán bộ, nhân viên của Phòng Thông tin Tư liệu, Thư viện Quốc gia Việt Nam tạm dừng công việc, tất cả đều cùng đứng dậy tập bài thể dục giữa giờ.
Hòa vào điệu nhạc vui nhộn là những động tác vận động nhẹ nhàng, dễ tập của tay, chân, hông…, giúp cán bộ, nhân viên được thư giãn, tinh thần sảng khoái sau những giờ ngồi làm việc mệt mỏi trước máy tính.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng các vị đại biểu tập thể dục giữa giờ tại Lễ ra mắt Ngày phim Y tế 2019. |
Đại diện đơn vị cho biết, nhờ các động tác vận động nhẹ nhàng, dễ tập nên tất cả cán bộ, nhân viên của Thư viện đều có thể tham gia.
Không chỉ tại các văn phòng, công sở, mà nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tổ chức cho người lao động tập thể dục giữa ca làm. Chị Trần Thị My, nhân viên của công ty sản xuất hàng thể thao ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, công ty đã triển khai cho nhân viên tập thể dục giữa giờ từ cuối tháng 2, mọi người đều thấy vui vẻ, tỉnh táo và hăng say làm việc hơn.
30% người dân Việt Nam thiếu vận động thể lực
Bộ Y tế, trong 10 năm được thống kê, số người bị đái tháo đường ở Việt Nam đã tăng 211%, người tăng huyết áp/tổng số được khảo sát mới nhất cũng lên tới trên 40% người trưởng thành. Tỉ lệ người béo phì, thừa cân, mắc bệnh rối loạn chuyển hóa... liên quan đến lối sống và chế độ ăn cũng gia tăng rất nhanh.
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo điều tra Steps năm 2015, 30% người dân Việt Nam thiếu vận động thể lực. Ông Bắc cho rằng, vận động thể lực sẽ giảm 30% nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ; giảm 20-40% nguy cơ rối loạn chuyển hóa, tốt cho cơ xương khớp, tăng cường sự dẻo dai...
Theo ông Trương Đình Bắc, các hình thức vận động mà Bộ Y tế khuyến cáo với người dân như: đi bộ, đạp xe là những hình thức vận động thể lực cần thiết, trong đó trướ hết là duy trì bài tập thể dục giữa giờ. “Những bài tập này rất có ích, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, người lớn đảm bảo vận động 30p/ngày, 150p/tuần. Vận động thể lực không chỉ tăng cường về mặt sức khỏe thể chất mà còn giúp giảm stress, giải toả căng thẳng. Tuy nhiên cần duy trì hoạt động đó hàng ngày và lựa chọn bài tập phù hợp”- ông Bắc cho biết.
Vừa qua, ngay sau khi Bộ Y tế phát động tập thể dục giữa giờ làm việc, rất nhiều đơn vị đã hưởng ứng nhiệt tình. Những hoạt động giữa giờ với các bài tập vận động hợp lý đã tạo nên khí thế lao động hăng say. Điều quan trọng nhất là giúp người lao động bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh nghề nghiệp.
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch mới đây đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tổ chức tập thể dục giữa giờ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, Tổng cục Thể dục Thể thao cũng được giao tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và phổ biến một số bài tập phù hợp với đặc thù công việc của từng nhóm nghề nghiệp.
Hiện Bộ Y tế đã xây dựng bài tập chỉ hơn 3 phút, rất đơn giản và có âm nhạc kèm theo tạo nên sự phấn khởi. Sau mỗi buổi tập, người tập có thể quay trở lại làm việc với tâm thế tốt, cơ thể được tăng sức đề kháng và phòng chống nhiều bệnh về cột sống, mắt, tay chân. Ngành Y tế đang tiên phong thực hiện và kêu gọi các ngành khác cũng như toàn thể nhân dân vận dụng để tăng cường vận động ở mọi lúc, mọi nơi.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, khẳng định tầm quan trọng của vận động đối với sức khỏe con người.
“Những bài tập theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hiện có rất nhiều; các đơn vị có thể lựa chọn các bài tập khác nhau. Mỗi một bài tập thể dục chỉ cần kéo dài hơn 3 phút; tập 2 lần/ngày vào giữa các buổi sáng và chiều với các động tác đơn giản. Thậm chí có thể ngồi, đứng ở mọi không gian, địa điểm khi tập”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết./.
Theo Minh Khánh/VOV.