Đau dạ dày: Đừng chủ quan với nguy cơ ung thư
Nhiều người nghĩ rằng đau dạ dày là căn bệnh phổ biến không đáng ngại và không lường trước nguy cơ bị ung thư...
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (trú tại Kiến Xương, Thái Bình) nhập viện trong tình trạng loét dạ dày với biểu hiện tức bụng và đau âm ỉ. Sau khi được thăm khám, anh bàng hoàng và bất ngờ với kết quả xác định mắc ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Anh cho biết: "Những biểu hiện lúc đầu chỉ là đau thượng vị. Như ở quê tôi, rất nhiều người bị đau dạ dày. Có những người đau dạ dày hàng chục năm nay mà cũng không có vấn đề gì cả. Tôi cứ nghĩ rằng bệnh dạ dày cũng không đến mức độ như ngày hôm nay".
Một bệnh nhân nữ khác gần đó, năm nay 25 tuổi với mơ ước và dự định đang ấp ủ bỗng vụt tắt khi nhận được kết quả mắc ung thư dạ dày giai đoạn đầu. Từ một cô gái với cân nặng trên 50 nhưng sau khi mắc bệnh chỉ còn 30kg: "Em hay bị đau lưng khi bị đói. Em chưa bao giờ nghĩ mình bị ung thư dạ dày. Em cảm thấy khá là sốc" - cô tậm sự
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện K phẫu thuật cho khoảng 15 trường hợp mắc ung thư dạ dày với các yếu tố nguy cơ khác nhau. Thói quen sinh hoạt không hợp lý, lười vận động cùng tình trạng nhiễm vi khuẩn HP khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày có xu hướng gia tăng.
TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết: "Nếu bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP thì tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 6 lần so với nhóm không nhiễm vi khuẩn HP. Nếu như trước đây nhắc đến ung thư dạ dày, đối tượng mắc chủ yếu là những người trên 40 tuổi thì gần đây xu hướng trẻ hóa của căn bệnh này ngày càng tăng. Thực tế chúng tôi đã mổ cho những bệnh nhân 15 tuổi, 20 tuổi, 25 tuổi...".
Để giảm bớt tỷ lệ mắc ung thư dạ dày, theo TS.BS Phạm Văn Bình, người dân phải phòng bệnh, sàng lọc, phát hiện sớm. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc, nhiễm vi khuẩn HP thì phải được điều trị triệt căn và bài bản.
Khi phát hiện bệnh sớm, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.
Theo VTV