Tuần Giáo tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia
Điện Biên TV - Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Do đó vấn đề an toàn thực phẩm, phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Thời gian qua, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Là huyện cửa ngõ với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua nên các hoạt động kinh doanh, thương mại tại khu vực trung tâm huyện Tuần Giáo diễn ra khá sôi động. Các mặt hàng được vận chuyển, trao đổi, mua bán phổ biến là bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến.
Đặc biệt vào dịp cuối năm như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, nguồn cung cấp thực phẩm và các mặt hàng tươi sống cũng nhiều hơn bình thường, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng cao hơn.
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các loại ngộ độc do thực phẩm và rượu, bia gây ra, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Tuần Giáo đã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Sử dụng rượu, bia trong các cuộc liên hoan, hiếu hỉ đã trở nên phổ biến đối với người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo |
Ngộ độc rượu bia – cực nguy hại đến sức khỏe
Sử dụng rượu, bia trong các cuộc liên hoan, hiếu hỉ đã trở nên phổ biến đối với người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Gần đây Tuần Giáo đã xảy ra 1 vụ ngộ độc rượu do người dân uống rượu ngâm cây thuốc không rõ nguồn gốc, rất may đã không có trường hợp nào tử vong. Tuy vậy, thực trạng sử dụng rượu bia nhiều, sử dụng tràn lan đã, đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc vẫn phổ biến.
Thực tế đó không riêng gì Tuần Giáo mà ở tất cả các địa phương khác trên địa bàn tỉnh ta, từ nơi phố xá đến nông thôn, từ cán bộ đến nông dân. Khẳng định rằng, rượu bia hầu như không thể thiếu trong các bữa ăn; trong mọi cuộc gặp gỡ, tiếp khách, liên hoan, hội nghị; đám cưới; sinh nhật, mừng thọ; tân gia; khởi công, khánh thành công trình xây dựng và thậm chí là trong các đám tang. Người ta mặc nhiên coi rượu là thứ không thể thiếu trong mọi cuộc vui, kể cả trong những tang gia. Mọi người ép nhau cố uống, buộc phải uống để tỏ ra biết điều, tỏ ra là người đàn ông; rượu để thay lời chào hỏi, cảm ơn, để thể hiện tình cảm, sự nhiệt tình.
Hàng ngàn lý do để người ta uống và ép nhau uống đến quá mức hấp thụ và khả năng chịu đựng của cơ thể! Uống đến say mềm, đến mất kiểm soát hành vi và lời nói, thậm chí mất cả lý trí, sau mỗi cuộc rượu như thế, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng như qua một trận ốm. Đã có rất nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc rượu bia; do không làm chủ được hành vi khi tham gia giao thông nên gây tai nạn, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế cả đời! Thật vô lý khi người ta phung phí tiền bạc và nhất là sức khỏe chỉ vì rượu – bia.
Đã đến lúc mọi người cần phải thay đổi cách sử dụng rượu bia; phải cư xử có trách nhiệm với sức khỏe chính bản thân mình. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu; vì rượu mà ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí gây tàn tật hoặc tử vong là do uống rượu vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể. Càng nguy hiểm hơn nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; rượu có chứa methanol – còn gọi là cồn công nghiệp – loại hóa chất độc hại có thể gây hôn mê, mù mắt, để lại di chứng cho hệ thần kinh và thậm chí gây tử vong.
Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Rượu chứa methanol khi ngấm vào cơ thể sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh, nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và ngưng tim, dẫn đến tử vong.
Huyện Tuần Giáo đã xảy ra 1 vụ ngộ độc rượu do người dân uống rượu ngâm cây thuốc không rõ nguồn gốc |
Bác sĩ Đoàn Vương Hùng - Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết: Ngộ độc rượu có sự kiện lớn mà đông bệnh nhân nhất trên địa bàn trong thời gian qua là người ta ngâm rựơu uống có 13 người bị ngộ độ cùng cấp cứu, sau khi điều trị nội khoa thì đều thành công ra viện. Mình đã tư vấn khi uống rựơu phải biết rựơu ấy là rựơu gì, khi uống ở ngoài không biết rõ nguồn gốc thì không nên uống; ở nhà rựơu ngâm cũng cần xem kỹ là ngâm loại gì, chứ không cứ ngâm rựơu là uống.
Huyện Tuần Giáo hiện có trên 150 cơ sở sản xuất rượu thủ công, 40 cơ sở kinh doanh rượu và trên 100 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu. Ðể phòng, chống ngộ độc rượu tại cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức giám sát các hoạt động kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó có rượu, bia trong các dịp lễ tết.
Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế tuyến xã thường xuyên tuyên truyền đến các cơ sở dịch vụ ăn uống, kinh doanh rượu, bia, không buôn bán, sử dụng các loại rượu bia không rõ nguồn gốc, cam kết nguồn hàng đảm bảo an toàn. Đồng thời, tuyên truyền đến đông đảo người dân các thôn, bản, không lạm dụng rượu; cách phòng, chống ngộ độc rượu và cách xử lý khi có biểu hiện ngộ độc rượu. Không dùng rượu để ngâm các loại cây, con vật để sử dụng; uống rượu có ngâm các loại cây, con tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đên sức khỏe, nếu không hiểu rõ được độc tính của loại rượu này còn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Trịnh Đức Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo cho biết: Vừa rồi cũng xẩy ra một vụ người dân trong một cuộc tổ chức liên hoan, người dân có sử dụng rượu do gia đình tự lấy cây củ để ngâm. Sau khi có xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt buồn nôn thì người bênh đã kịp thời đến bệnh viên. Qua đây về phía đơn vị, thông qua mạng lưới y tế cơ sở, tổ truyền thông chăm sóc sức khỏe để tuyên truyền cho nhân dân việc không sử dụng các loại cây, củ quả để ngâm rượu uống.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Hiện nay trên địa bàn huyện Tuần Giáo vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, như tình trạng rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn len lỏi tiêu thụ trên thị trường. Cùng với đó là trên thị trường vẫn có những thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả bị ô nhiễm; thịt gia súc, gia cầm, có dư lượng kháng sinh cao; hay thực trạng người dân sử dụng hoá chất phụ gia độc hại để chế biến và bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xay ra và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Cương, Đội trưởng - Đội Quản lý Thị trường số 2 Tuần Giáo cho biết: Trong năm 2018 Đội quản lý thị trường số 2 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao bằng nhiệm vụ thường xyên, trong đó số vụ kiểm tra 532 vụ, đã xử lý 132 vụ, số tiền nộp ngân sách là 112 triệu trong đó số vụ buôn lậu có 4 vụ với 3,2 triệu.
Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để thực hiện tốt chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng đơn vị đã phối hợp thực hiện tốt việc kiểm tra các cơ sở ăn uống đã sử dụng các hàn the, hoắc môn trong chế biến sản phẩm, qua kiểm tra các cơ sở thực hiện tốt không có sử dụng hoạt chất trong chế biến. Trong năm không xẩy ra các vụ ngộ độc nghiêm trọng, đó là những kết quả cơ bản trong công tác tuyên truyền đơn vị và các cơ quan chức năng.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp huyện Tuần Giáo đã luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn huyện Tuần Giáo có trên 600 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm |
Các xã, bản đã phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của huyện tổ chức các hội nghị, các buổi tập huấn, nói chuyện, nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền cho người dân ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện.
Cùng với đó, huyện Tuần Giáo cũng quan tâm duy trì việc thực hiện các tiêu chí về an toàn thực phẩm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các mô hình trồng rau, nuôi lợn, gà an toàn, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn trong nhân dân. Các mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi, gà thả vườn theo hướng nông nghiệp sạch cũng đang phát triển tại các xã Quài Cang, Quài Tở và Quài Nưa.
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn huyện Tuần Giáo có trên 600 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác thanh, kiểm tra được huyện đặc biệt chú trọng tăng cường. Theo đó, ngoài tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện còn tập trung kiểm tra vào các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, trọng tâm là Tháng An toàn vệ sinh thực phẩm.
Nội dung kiểm tra thường tập trung vào các vấn đề như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, những người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm; cập nhật kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, kiểm tra hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ; quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở. Từ đầu năm đến nay các Tổ Liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện Tuần Giáo đã kiểm tra trên 1.000 lượt các cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến thực phẩm và cơ sở giết mổ trên địa bàn. Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện 52 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính trên 40 triệu đồng.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng của huyện Tuần Giáo cũng đã lồng ghép để tuyên truyền và vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong thời gian tới huyện Tuần Giáo tiếp tục tăng cường vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt coi trọng công tác thông tin, giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; song song với đó là cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là vào những ngày lễ và dịp tết, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2019 đang đến gần.
Ông Nguyễn Văn Cương, Đội trưởng - Đội Quản lý Thị trường số 2 Tuần Giáo cho biết: Trong thời gian tới, để thực hiện an toàn cho người tiêu dùng Đội quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền địa phương để kiểm tra chặt chẽ việc mua bán các sản phẩm, thực phẩm đặc biệt các sản phẩm có cồn. Đội sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra các cơ sở có nghi ngờ sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng huyện Tuần Giáo đang triển khai thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mình đối với xã hội trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mỗi người tiêu dùng cũng cần có những hiểu biết nhất định để sử dụng các loại thực phẩm một cách thông minh và đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng./.
Chung Dũng/DIENBIENTV.VN