Phao cứu sinh nào cho người nhiễm HIV khi không còn miễn phí ARV?
Việt Nam có gần 100.000 trường hợp đã tử vong vì bệnh AIDS và có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV.
Gần chục năm qua kể từ khi nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS vì thế đã giảm mạnh.
Không còn nguồn thuốc ARV miễn phí, từ năm 2019 việc điều trị sẽ chính thức được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để có được thẻ bảo hiểm y tế không dễ dàng đối với bệnh nhân HIV vì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí có những bệnh nhân bỏ nhà, di cư, không xuất trình được giấy tờ tùy thân khi muốn tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Với những người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân thì ngày 26/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 27 giải quyết vướng mắc này bằng quy định dán ảnh bệnh nhân HIV vào thẻ bảo hiểm y tế, thay cho việc phải có giấy tờ tùy thân. Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền các địa phương huy động ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV”.
Từ hướng dẫn của Bộ Y tế, đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV. Tỷ lệ bệnh nhân HIV đang điều trị thuốc ARV có thẻ bảo hiểm y tế cũng đã tăng lên 90%, gấp gần 3 lần so với 3 năm trước. Tuy nhiên, khi đã có thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân HIV vẫn phải đối mặt với khó khăn khi phải đồng chi trả một phần chi phí điều trị và điều lo ngại lớn hơn là bệnh nhân HIV dễ bị lộ danh tính khi tham gia bảo hiểm y tế.
Chỉ còn 1 tháng nữa là tấm thẻ bảo hiểm y tế sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với bệnh nhân HIV/AIDS nhưng cũng sẽ có người vì sợ lộ danh tính mà bỏ điều trị. Trước nguy cơ này, Bộ Y tế có biện pháp gì để giải quyết?
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV Nguyễn Hoàng Long cho rằng, ngay cả khi chuyển sang thanh toán bằng bảo hiểm y tế , vẫn lo ngại vấn đề bệnh nhân bỏ điều trị. "Chúng tôi đã hướng dẫn các cơ quan, địa phương cố gắng theo dõi, đôn đốc và có hệ thống giám sát, khi không thấy bệnh nhân đến nhận thuốc về uống, cần tìm hiểu lí do, liên lạc và tìm cách thuyết phục”.
Sự kì thị đối với người nhiễm HIV là vấn đề mà các tổ chức quốc tế lo ngại nhất về công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Tại một sự kiện được tổ chức ở Hà Nội mới đây, Tiến sĩ John Blandford, Giám đốc tổ chức Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. Trong khi đó, sau gần 30 năm phòng chống HIV, hiện vẫn có khoảng 50.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam chưa được phát hiện bệnh. Đây là thách thức lớn của mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Anh Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc doanh nghiệp xã hội Hải Đăng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại Hà Nội chia sẻ:"Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn và bệnh nhân HIV vẫn sợ bị lộ danh tính. Giải quyết vấn đề này cũng cần phải truyền thông để người nhiễm HIV tự tin hơn. Khi xã hội không còn sự kỳ thị thì việc bộc rộ bản thân bị nhiễm HIV sẽ dễ dàng hơn”.
Các bằng chứng khoa học mới đây đã khẳng định, việc phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi sự lây truyền HIV trong cộng đồng. Bởi lẽ, nếu tải lượng vi rút HIV trong cơ thể người bệnh đạt ngưỡng dưới 200 bản sao/1 ml huyết tương thì khi đó bệnh nhân sẽ không lây nhiễm HIV cho bạn tình… Nếu tấm thẻ bảo hiểm y tế là điều kiện cần cho việc điều trị HIV thì điều kiện đủ là sự hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh này. Không còn sự kì thị đối với người nhiễm HIV sẽ là chiếc phao cứu sinh lớn nhất đối với bệnh nhân trong lúc này./.
Theo Văn Hải/VOV