"Người gác cổng" của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu

Thứ Bảy, 08/12/2018, 15:19 [GMT+7]

 Vai trò của y tế cơ sở được coi là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế, là người gác cổng của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.
 
Trực tiếp, gần dân nhất, y tế cơ sở dễ tiếp cận, với chi phí thấp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Ngành y tế đã xác định đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Khi đó, người dân được khám sức khỏe định kỳ chứ không phải chỉ khám bệnh khi ốm đau và được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật để điều trị kịp thời, nhằm giảm mức thấp nhất chi phí điều trị. Bên cạnh đó, người dân được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
 

1

Bộ Y tế sẽ luân phiên bác sĩ xuống y tế cơ sở để hỗ trợ nhân lực tại các trạm y tế xã. (Ảnh: KT)


Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm mô hình 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 tỉnh, thành phố, với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ nhân lực có trình độ, để thực hiện tốt công tác tư vấn truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng bệnh và tổ chức tốt khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình; quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.

Bộ Y tế đã cử các bác sĩ ở tuyến trung ương, tuyến cuối về giúp các trạm y tế huyện điểm khám chữa bệnh, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, đồng thời đề nghị các tỉnh phải triển khai thực hiện việc luân phiên bác sĩ xuống y tế cơ sở, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế.
 
“Các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối sẽ hỗ trợ cho các trung tâm y tế tuyến huyện và đặc biệt là các trạm y tế xã trong vấn đề đào tạo nhân lực và chuyển giao các gói chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tuyến dưới; đồng thời tư vấn hỗ trợ cho tuyến dưới bố trí các công năng của các phòng khám, phòng cấp cứu, tư vấn đề thuốc men để điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là phác đồ. Bên cạnh đó, các bác sĩ ở tuyến trung ương và tuyến cuối sẽ về đồng hành cùng y tế cơ sở trong sàng lọc, khám chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính. Trong đó, tập trung vào hai bệnh chủ yếu là tăng huyết áp và đái tháo đường”, GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khẳng định.
 
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - Giám đốc Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (Dự án HPET) cho biết: “Một trong những yếu tố hết sức quan trọng cho việc thành công của hoạt động của trạm y tế xã là nhân lực. Chính vì vậy, chúng tôi cũng xác định đây là một trong những hoạt động mục tiêu trọng tâm để nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực thực hành, làm việc nhóm, cũng như hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, với 6 nhóm đối tượng là bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, cán bộ dược và Trưởng trạm y tế xã”.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Dự án HPET đang hỗ trợ các trạm y tế xã một số trang thiết bị cần thiết với mục tiêu để đội chăm sóc sức khỏe ban đầu sau khi tập huấn có những kiến thức, kỹ năng, có đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Được triển khai từ năm 2014-2010, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Dự án HPET sau khi hoàn tất sẽ góp phần tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở ở các vùng khó khăn, tăng cường chăm sóc sức khỏe một cách liên tục, lồng ghép và toàn diện cho cá nhân gia đình và cộng đồng.

Cùng với Dự án HPET, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở với mục tiêu sớm thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã. Những xã có phòng khám đa khoa khu vực thì phải lồng ghép hoạt động của phòng khám và trạm y tế xã.

Việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với 6 nguyên tắc: liên tục, toàn diện, lồng ghép, phối hợp dự phòng, gia đình và cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả./.

 

 

Theo VOV

.