Điện Biên

Dừng điều trị nội trú ở phòng khám đa khoa khu vực - Lợi bất cập hại

Thứ Sáu, 14/12/2018, 16:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Các Phòng khám đa khoa khu vực phải dừng điều trị nội trú theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhằm nâng cao chất lượng điều trị và hợp lý hóa việc thanh toán trong chi phí giường bệnh. Nhưng khi triển khai thực hiện, mục tiêu tốt đẹp đó chưa thấy đâu, chỉ thấy nhiều bất lợi, gây bức xúc trong Nhân dân và cán bộ y tế cơ sở. 

Theo công văn 618 - ngày 25 tháng 1 năm 2018 của Bộ Y tế về khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực, việc dừng điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực để giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh, đảm bảo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đúng quy định và thống nhất trên phạm vi cả nước.

Nhưng khi triển khai ở tỉnh Điện Biên, đã nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và tinh thần của Nhân dân, cụ thể là người bệnh, người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế cơ sở.

Nghịch lý...

1
Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn - một trong 2 Phòng khám đa khoa khu vực của huyện Nậm Pồ đều đã không điều trị nội trú cho người bệnh từ đầu năm 2018 đến nay

 

Huyện Nậm Pồ - nơi chưa có bệnh viện huyện đang gặp những bất lợi lớn nhất ở tỉnh Điện Biên khi thực hiện: Dừng điều trị nội trú ở các Phòng khám đa khoa khu vực.

Cũng như hiện trạng của toàn tỉnh và cả nước, Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn - một trong 2 Phòng khám đa khoa khu vực của huyện Nậm Pồ đều đã cửa đóng then cài ở các buồng bệnh từ đầu năm 2018 đến nay. Điều này đồng nghĩa: mọi trang thiết bị đầu tư để điều trị nội trú cho bệnh nhân ở đây cũng không khai thác sử dụng.

Trước đó, tại cơ sở y tế này vẫn duy trì điều trị nội trú cho bệnh nhân. Với 5 buồng, hơn 20 giường bệnh, 12 cán bộ y tế, trong đó có 2 bác sỹ, cùng các trang thiết bị y tế hiện có, Phòng khám có đủ khả năng để điều trị nội trú cho khoảng 15 đến 20 bệnh nhân/ngày, cao điểm là 30 bệnh nhân/ngày. Tại đây cũng đã điều trị thành công cả những ca bệnh khó như: suy hô hấp; sản ngôi ngược; nối gân, tháo khớp và các vết thương ngoài phức tạp.

1
Bệnh nhân không được điều trị nội trú, cơ sở vật chất được trang bị đều bỏ không gây lãng phí

 

17 Phòng khám đa khoa khu vực khác toàn tỉnh cũng được đầu tư với điều kiện và khả năng điều trị nội trú như Phòng khám đa khoa khu vực Si Pa Phìn, thậm chí là tốt hơn. Nhưng hiện nay, tất cả đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Do đó, mỗi ngày, toàn tỉnh có từ 300 đến 400 ca phải chuyển tuyến. Điều này đã gây nên một nghịch lý: Phòng khám đa khoa khu vực thì giường bệnh trống trơn, tại Trung tâm Y tế huyện lại luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân.

Số bệnh nhân luôn gấp đôi, hoặc hơn so với số giường bệnh. Điều này đã gia tăng áp lực cho cán bộ y tế tuyến trên. Còn cán bộ Y tế ở các Phòng khám đa khoa khu vực thì hết sức nhàn rỗi và phải chuyển bớt về các Trạm Y tế trong tình cảnh: bất đắc dĩ. Nghịch lý này cho thấy: Chỉ đạo dừng điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực của Bộ Y tế đã bộc lộ sự vội vàng và thiếu thực tiễn.

Lợi bất cập hại

Cái lợi của việc dừng điều trị nội trú chính là mục tiêu như Công văn 618 của Bộ Y tế đã nêu. Nhưng riêng lí do: "...thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo đúng quy định..." thì chưa hẳn đã hợp lý. Bởi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ dừng chi trả bảo hiểm cho chi phí giường bệnh tại Phòng khám đa khoa khu vực sau khi có công văn 618.

Nếu không có công văn này, Bảo hiểm không có căn cứ nào để dừng việc chi trả chi phí giường bệnh tại các Phòng khám đa khoa khu vực. Cũng bởi thực hiện Công văn 618 một cách đột ngột, tỉnh Điện Biên hiện đang chưa giải quyết được việc: chi trả chi phí giường bệnh đối với hàng ngàn ca bệnh đã điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực.

1
Không điều trị nội trú tại Phòng khám đa khoa khu vực dẫn đến quá tải tại các Trung tâm Y tế huyện. ảnh người bệnh nằm ghép tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ

 
 Nếu ở vùng thuận lợi, việc chuyển tuyến khó một thì ở miền núi như Điện Biên nói chung, Nậm Pồ nói riêng lại khó mười. Bởi các xã ở đây đều cách xa trung tâm huyện, có xã cách huyện đến 50 cây số, giao thông lại chưa được cứng hóa. Do đó, việc đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nếu sạt lở, tắc đường thì việc đi lại có khi mất vài ngày trời. Do đó, người khỏe đi lại đã khó, với người bệnh thì họ phải đối mặt như thế nào? Nhất là với những ca cấp cứu thì khó đảm bảo an toàn.
 
Cũng theo đại diện các Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Điện Biên, việc dừng điều trị nội trú còn khiến đời sống của cán bộ ở các cơ sở y tế này bị xáo trộn, bởi nhiều cán bộ y tế ở các phòng khám phải điều chuyển công tác về các Trạm Y tế xã. Đáng ngại hơn là khả năng chuyên môn của họ có nguy cơ bị giảm sút do không được thực hiện điều trị cho bệnh nhân thường xuyên.

Mặt khác, dừng điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực còn đi ngược với mục tiêu: giảm tải bệnh nhân điều trị nội trú cho các cơ sở y tế tuyến trên. Mặc dù với tỉnh đặc thù như Điện Biên, Bộ Y tế vẫn có hướng mở tại Công văn 618. Ngay tại phiên chất vấn - kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đề cập đến nội dung này khi trả lời kiến nghị của đại biểu quốc hội tỉnh Điện Biên:   

1
Nghịch lý khi phòng khám đa khoa khu vực thì giường bệnh trống trơn, thì tại Trung tâm Y tế huyện lại luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân.

 
Trong khi đó, với tỉnh Điện Biên, việc đầu tư nâng cấp, chuyển đổi để tiếp tục duy trì điều trị nội trú ở các Phòng khám đa khoa khu vực như chỉ đạo của Bộ Y tế trong công văn 618 và theo nội dung như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đề cập, thì hiện vẫn chưa được thực hiện, bởi sự ngỡ ngàng của tỉnh trước chỉ đạo đột xuất và thiếu chu đáo của Bộ Y tế.

Mặc dù vậy, hiện tỉnh Điện Biên vẫn đang đầu tư, nâng cấp cho 7 trong tổng số 18 Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn để tiếp tục duy trì trở lại việc điều trị nội trú. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2021.

Như vậy, hàng ngàn người bệnh ở chốn heo hút Điện Biên vẫn còn phải đối mặt với những gian nan trong việc điều trị nội trú ít nhất là 3 năm nữa. Còn ngành Y tế của tỉnh này lại phải dày công trong việc bố trí, sắp xếp lại nhân lực, trang thiết bị ở các tuyến y tế cơ sở. Trong khi đó, việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế theo công văn 618 đến cả năm trời vẫn chưa đem lại lợi ích gì ở Điện Biên./.

    

 

Lê Dung/DIENBIENTV.VN

.