Khó khăn trong quá trình quản lý rượu tự nấu ở người dân

Thứ Sáu, 16/11/2018, 16:27 [GMT+7]

Hầu hết các hộ đều nấu rượu theo phương pháp thủ công để dùng trong gia đình, biếu tặng người quen nên không thông qua các khâu cấp phép, kiểm tra chất lượng...
 

1

 

Câu chuyện về việc siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh rượu vẫn đang được các cấp ngành hết sức quan tâm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP để quản lý việc sản xuất và kinh doanh rượu. Nhưng sau 5 năm thực hiện Nghị định, việc quản lý mặt hàng này vẫn còn nhiều bất cập. Trong nhiều năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc rượu đã diễn ra, nhiều vụ là do các đối tượng pha chế cồn công nghiệp có nồng độ Methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép.

Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh vấn đề pha chế rượu từ Methanol gây ngộ độc thì nhận thức của người tiêu dùng về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, không nhãn mác còn hạn chế; nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Theo kiểm tra, hầu hết các hộ dân đều nấu rượu theo phương pháp chưng cất thủ công để phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia đình, mang đi biếu tặng người quen nên hoàn toàn không thông qua các khâu cấp phép, kiểm tra chất lượng, vệ sinh thực phẩm... Kinh doanh rượu thủ công cũng diễn ra hết sức phổ biến như bán dạo khắp các cửa hàng, khách sạn nên rất khó kiểm soát.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ngoài vấn đề về nơi sản xuất còn nảy sinh vấn đề về các địa điểm buôn bán và tiêu thụ. Cụ thể, các hộ nấu rượu truyền thống không kinh doanh trên thị trường nhưng vẫn bán rượu cho người quen, nhiều cửa hàng tạp hóa có bán rượu nhưng không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu, rượu không có nguồn gốc. Đây là khó khăn trong việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công. Trong khi đó lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, đặc biệt tuyến xã, phường thị trấn chưa có cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương; địa bàn quản lý rộng, sự hỗ trợ giữa sở, ngành liên quan hạn chế nên việc xử lý càng khó khăn.

Trước khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 được ban hành, toàn bộ lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có rượu thủ công đều do ngành y tế quản lý, là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm. Nhưng khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành thì lĩnh vực an toàn thực phẩm được giao lại cho ngành công thương quản lý và chịu trách nhiệm từ khâu nguyên liệu đến lưu thông trên thị trường. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, để bán được sản phẩm rượu thủ công ra ngoài thị trường, cần qua nhiều thủ tục quản lý hành chính nhà nước như: giấy phép sản xuất rượu, đăng ký tem, nhãn hàng hóa, công bố hợp quy… Thế nhưng, phần lớn các hộ gia đình đều sản xuất nhỏ, manh mún trong khi chế tài xử phạt số tiền quá cao so với quy mô sản xuất thực tế tại hộ gia đình. Vậy nên, mặc dù việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với việc sản xuất rượu thủ công nhưng cho đến nay thực tế công tác này chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở là chính.

Qua kiểm tra ở các địa phương cho thấy, dù đã có nghị định về sản xuất rượu thủ công và phân cấp cho chính quyền địa phương cấp giấy đăng ký kinh doanh cho hộ gia đình nhưng việc cấp phép ở cơ sở rất ít. Nguyên nhân cũng do hộ nấu rượu thủ công quy mô nhỏ lẻ nên chưa đăng ký kinh doanh. Một số hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh muốn xin cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo Nghị định 94, nhất là quy định về an toàn thực phẩm và giấy tờ xác nhận quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho rượu.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ đề ra lộ trình cụ thể từ năm 2022 để tiến tới đích chung là quản lý, hạn chế rượu bia, nhất là rượu tự nấu. Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã trình bản dự thảo Luật phòng chống tác hại của bia, rượu lên Quốc hội. Trong đó có những phương án đưa ra như quy định khung giờ các cửa hàng được phép kinh doanh rượu, đưa ra con số về mức độ tiêu thụ rượu bia... Bộ Y tế mong muốn thông qua bộ Luật này sẽ nâng cao được nhận thức của người dân và hạn chế được những tác hại mà rượu bia mang đến cho sức khỏe.

 

 

Theo VTV

.