Vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Có hay không sự lây nhiễm qua dịch vụ y tế?
“42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ không biết được tình trạng nhiễm nên không dự phòng được cho người khác, cần phải có hệ thống giám sát thường xuyên".
Sáng 14/8, trao đổi với VOV.VN, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc phát hiện 42 người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nằm trong danh sách địa phương có số ca mắc cao tuy nhiên không phải đặc biệt.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện cả nước 60 xã có 50 người nhiễm HIV. Trong đó, xã cao nhất của huyện Mường Lay (tỉnh Điện Biên) có 141 người nhiễm bệnh, phường cao nhất (ở quận 8, TP HCM) có 701 người nhiễm HIV, trong đó có 125 người chết.
TS.Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) trả lời báo chí. |
Huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) có 3 xã với số người nhiễm HIV tương đồng nhau.
Cụ thể, xã Minh Đài 46 người nhiễm, xã Mỹ Thuận là 31 người, xã Thu Cúc 24 người, xã Xuân Đài là 21 người.
Số người nhiễm ở huyện Tân Sơn đứng thứ 5/13 quận huyện của tỉnh Phú Thọ. Trong đó người nhiễm HIV là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao, với 26/42 người nhiễm, chiếm hơn 1/2 (trong khi tỷ lệ nữ nhiễm HIV thông thường là 1/3).
Nguy hiểm là người dân không biết mình bị nhiễm HIV
TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nằm trong hệ thống giám sát thường xuyên, mỗi năm phát hiện một vài ca. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện từ năm 2012, nhưng từ 2016, 2017, số người mắc tăng nhanh. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cũng có trường hợp trẻ 18 tháng tuổi, người già hơn 80 tuổi lây nhiễm HIV.
Theo ông Cảnh, thực tế qua vụ 42 người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng là họ không biết được tình trạng nhiễm nên không dự phòng được cho người khác. Điều quan trọng là để người dân biết được tình trạng nhiễm.
“Đây là cảnh báo đối với các xã phường khác. Sự nguy hiểm của dịch HIV là nó tiềm ẩn trong cộng đồng nên người dân không biết được. Vì vậy cần phải có hệ thống giám sát thường xuyên”- ông Cảnh cho biết.
Có hay không sự lây nhiễm do sử dụng dịch vụ y tế của tư nhân
Về khách quan, khoa học, HIV lây qua 4 con đường: mẹ lây sang con, lây qua đường máu, quan hệ tình dục và do tiêm chích không an toàn.
Hiện, chưa có đủ cơ sở để khẳng định có hay không việc lây nhiễm HIV qua dịch vụ y tế.
Ông Cảnh cho biết, HIV ra cộng đồng sống lâu nhất trong tử thi là 72 tiếng, nhưng ở ngoài môi trường tự nhiên, virus HIV chết rất nhanh chỉ sau vài phút.
Hiện Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo công an vào cuộc để tiến hành điều tra; Đồng thời Bộ chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thiết lập nghiên cứu về dịch tễ học và bệnh chứng để đánh giá. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Cảnh, để thực hiện những việc này cần phải có thời gian.
"Kết luận một việc liên quan đến sinh mệnh chính trị, liên quan đến mạng sống của con người cần phải chính xác trên cơ sở có các bằng chứng khoa học. Bởi nếu kết luận bị lây nhiễm HIV do hành nghề khám là tội hình sự, thực hiện sai các quy định về chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng trong Điều 325 của Bộ luật hình sự chứ không đơn thuần là xử phạt hành chính. Đây là việc phải làm ngay nhưng phải thận trọng, đầy đủ bằng chứng, đảm bảo đúng người, đúng tội không để oan sai"- ông Cảnh cho biết.
Tuyên truyền, tư vấn để người nhiễm HIV ổn định tâm lý
Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đề nghị tỉnh Phú Thọ đặt quyền lợi và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Những người không may bị nhiễm HIV sẽ được tiến hành tư vấn, khám và điều trị ngay.
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, với thuốc điều trị ARV như hiện nay, sau 3 tháng điều trị, nồng độ virus trong máu sẽ giảm xuống và họ sẽ khỏe mạnh trở lại và khó có khả năng lây truyền cho người khỏe.
“Bình thường một người nhiễm HIV là 10.000-100.000 virus/ml máu, nếu điều trị tốt sẽ giảm xuống 200 virus/1ml máu nên khả năng lây nhiễm thấp”- ông Cảnh nói.
Được biết, Bộ Y tế cấp đầy đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng can thiệp (như bao cao su) miễn phí cho bà con, đảm bảo họ được tư vấn, điều trị để nâng cao sức khỏe cho bản thân và dự phòng cho người khác; Sẵn sàng tổ chức lấy máu xét nghiệm cho bà con nghi ngờ lây nhiễm HIV; Đồng thời các cấp ủy đảng chính quyền, đoàn thể cần vào cuộc tuyên truyền vận động bà con bình tĩnh điều trị, mở rộng giám sát xét nghiệm ở các địa bàn khu vực tương tự.
Ngành y tế địa phương tăng cường điều động lực lượng cắm chốt tại xã, huyện. Thiết lập điểm điều trị ngay tại huyện, thậm chí xuống tận xã để tư vấn điều trị cho bà con. Được biết, Phú Thọ đã cử 2 chuyên gia tư vấn giỏi để đến tư vấn, và hỗ trợ về tâm lý cho người dân có kết quả dương tính với HIV tại xã Kim Thượng.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành Thông tư 18/2009 TT-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh và Quyết định 3916 ngày 28/8/2017 phê duyệt hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN