Điều trị bệnh viêm gan C: Bao giờ bệnh nhân bớt gánh nặng chi phí?

Thứ Năm, 09/08/2018, 07:40 [GMT+7]

Chi phí điều trị bệnh viêm gan C có giá thành cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả, do đó hầu hết bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị.
 
Hiện nay, bệnh nhân nhiễm vi rút viêm gan C khi vẫn điều trị bằng thuốc thế hệ cũ có hiệu quả thấp. Trong khi đó, thuốc điều trị thế hệ mới chưa được BHYT thanh toán gây nhiều khó khăn cho người bệnh.

Anh Nguyễn Lê Nam (40 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, phải tự chi trả hơn 400 triệu đồng cho 2 đợt điều trị.

“Để có thể chữa bệnh, tôi đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của tất cả gia đình, bạn bè, thậm chí còn vay mượn thêm vẫn không đủ. Cũng may có những mạnh thường quân hỗ trợ cho tôi một phần thuốc nếu không tôi không thể chữa khỏi bệnh viêm gan C. Điều tôi buồn nhất là dù có thẻ BHYT nhưng tôi lại không được hỗ trợ, hay chi trả một phần nào”- Anh Nguyễn Lê Nam nói.
 

1
Viêm gan B, C được coi là những kẻ giết người thầm lặng.

 

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, những bệnh nhân điều trị viêm gan C vẫn được thanh toán khám chữa bệnh BHYT những loại thuốc có trong danh mục BHYT.

Đối với những loại thuốc điều trị mới chưa được Bộ Y tế đưa vào danh mục BHYT chi trả thì người bệnh phải thanh toán ngoài.

Với những loại thuốc này, ông Lê Văn Phúc khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế để sớm đưa loại thuốc điều trị mới vào danh mục thanh toán BHYT, giảm áp lực chi phí cho người bệnh.

“Khi xây dựng chính sách, chúng ta phải cân nhắc nhiều yếu tố, còn nhiều bệnh khác như ung thư, tim mạch đến các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp. Vì vậy, khi đưa một loại thuốc vào danh mục thì phải đánh giá tác động, hiệu quả chi phí và phải cân đối với nguồn quỹ BHYT. Chúng tôi sẽ cùng với Bộ Y tế phối hợp. Tất nhiên, đã bị bệnh thì chúng ta phải điều trị và lựa chọn loại thuốc nào để hiệu quả thì là trách nhiệm của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam”, ông Lê Văn Phúc cho biết.

Chia sẻ về những khó khăn của bệnh nhân, bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, hiện có hơn 50 loại thuốc điều trị viêm gan C, thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ, đạt hiệu quả cao.

Giá thành cho 1 đợt điều trị ở một số nước chưa đến 100 USD, thậm chí còn được Chính phủ tài trợ. Tại Việt Nam, mặc dù đã có chương trình hành động quốc gia vì viêm gan siêu C, với mục tiêu 2030 loại trừ viêm gan, nhưng trên thực tế chưa có động thái can thiệp cụ thể để đảm bảo thuốc đến tay bệnh nhân dễ dàng.

“Cục Quản lý Dược chưa cấp giấy phép đăng ký cho các loại thuốc này để lưu hành ở Việt Nam. Cho nên các thuốc hiện nay nhập vào Việt Nam đều nhập với loại giấy phép đặc biệt với một số lượng hạn chế nên giá thành rất cao. Hiện nay, giá thành một đợt điều trị rẻ nhất cũng 15-30 triệu đồng/đợt. Trong khi đó ở các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Banglades thì giá thành chỉ khoảng 2 triệu đồng/liệu trình điều trị”- bà Khuất Thị Hải Oanh nói.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), các bệnh truyền nhiễm được quan tâm chủ yếu các bệnh đã bùng nổ thành dịch như sởi, sốt xuất huyết, còn các bệnh lây lan âm thầm như viêm gan C thì chưa được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng này, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế sớm đưa loại thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi.

“Bộ Y tế nên vào cuộc, cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa, có những hướng dẫn từ năm 2016, hiện nay nên cập nhật lại do có nhiều loại thuốc mới, các chương trình sàng lọc, cần phát hiện sớm, điều trị sớm chứ không phải tới xơ gan, ung thư gan mới điều trị và cần được đưa vào chương trình BHYT. Ngoài ra, hiện nay thuốc điều trị viêm gan C tác dụng phụ ít, an toàn, độc tính thấp do đó có thể phân về các tuyến, huyện/tỉnh để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân”- PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Như vậy, người bệnh bị viêm gan C sẽ tiếp tục phải chờ đợi Bộ Y tế đưa loại thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Phác đồ điều trị quốc gia đã chỉ định thuốc thế hệ mới gần 2 năm qua thì không có lý do gì mà BHXH Việt Nam và Bộ Y tế né tránh các phương án đưa thuốc này vào danh mục thanh toán BHYT cho người bệnh. Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT./.

 

 

Theo Kim Thanh/VOV

.