Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn
Nhịp tim bình thường, những tác nhân ảnh hưởng đến nhịp tim,... là những vấn đề nhiều người còn khá băn khoăn cần được giải đáp.
Dưới đây là một số thông tin hữu ích về nhịp tim và những điều cần biết bạn đọc có thể tham khảo để biết thêm thông tin chi tiết.
Nhịp tim của người bình thường là bao nhiêu?
Trái tim của người trưởng thành khỏe mạnh luôn đập khoảng 70 lần/phút, mỗi lần đẩy ra 150ml máu. Một ngày tim đập 105,000 lần và bơm hơn 6,000 lít máu. Trong suốt đời người, tim lần lượt đập cả gần ba tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu.
PGS., TS., Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh - BV Thu Cúc cho biết: "Nhịp tim khi nghỉ của một người trưởng thành khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 60-100 nhịp/phút. Nằm ngoài khoảng này được gọi là rối loạn nhịp tim. Ngoại trừ một số trường hợp như trẻ nhỏ nhịp có thể trên 100 nhịp/phút hoặc các vận động viên, những người thường xuyên tập thể dục thể thao, nhịp có thể dưới 60 nhịp/phút nhưng tim vẫn bơm máu hiệu quả".
Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim là gì?
- Yếu tố môi trường: Khi nhiệt độ hoặc độ ẩm tăng cao, tim bơm máu nhiều hơn một chút, và gây tăng nhịp tim, nhưng thường không quá 5 đến 10 nhịp/phút. Sự thay đổi độ cao hay sức gió cũng có ảnh hưởng phần nào tới nhịp tim.
- Cảm xúc: Nếu bạn bị căng thẳng, lo âu hay đột nhiên vui buồn, nhịp tim có thể tăng lên, đó là do yếu tố cảm xúc của não quyết định.
- Nhịp thở: Khi hít vào, nếu để ý bạn có thể nhận thấy nhịp tim của mình chậm lại, sau đó ngay lập tức trở lại bình thường. Còn ở người bệnh phổi tắc nghẽn, khi họ khó thở hoặc thở gấp, nhịp tim lại tăng cao để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể.
- Kích thước cơ thể: Ở những người béo phì, nhịp tim khi nghỉ có thể cao hơn bình thường, nhưng thường không quá 100 nhịp/phút.
- Thuốc: Các thuốc chẹn beta giao cảm có xu hướng làm giảm nhịp tim, trong khi các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp lại làm tăng nhịp tim.
- Bệnh tuyến giáp: Nồng độ cao của hormone tuyến giáp làm tăng chuyển hóa, tăng nhịp tim, vã mồ hôi và nhiều biểu hiện khác.
- Thiếu máu, thiếu sắt: Có thể khiến cơ thể mệt mỏi, da nhợt nhạt, móng tay giòn, dễ bị kích thích, tăng nhịp tim.
- Sốt: Làm tăng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể, do đó làm tăng nhịp tim để đáp ứng nhu cầu oxy.
- Sốc nhiễm trùng: Làm suy giảm hệ miễn dịch khiến cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tuần hoàn, trong đó có nhịp tim.
- Sử dụng quá nhiều caffeine và chất kích thích: Có thể gây tăng nhịp tim, khó chịu, mất ngủ, kích thích, trầm cảm và mệt mỏi.
- Bệnh tim mạch: Các mảng xơ vữa động mạch có thể dẫn đến bệnh mạch vành, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Loạn nhịp tim có thể làm cho tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Sự tổn thương cơ tim do virus, vi khuẩn hay sử dụng thuốc cũng là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim.
Nhịp tim bình thường huyết áp bình thường
Nhịp tim và huyết áp là hai việc khác nhau. Người có nhịp tim bình thường cũng có thể bị huyết áp cao. Một số người nhịp tim không bình thường nhưng huyết áp lại rất bình thường. Hoạt động cơ thể mệt mỏi sẽ làm cho nhịp tim đập nhanh nhưng thay đổi về huyết áp lại không lớn.
Theo VTV