Bệnh nhân HIV khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Theo các chuyên gia, quy định "ngoài giấy tờ tùy thân, người bệnh phải tham gia BHYT theo hộ gia đình" là một trong những rào cản khiến bệnh nhân HIV khó tiếp BHYT.
Đến hết quý I/2018, hơn 83% số người nhiễm HIV trên cả nước có thẻ bảo hiểm y tế. Sau năm 2018, nguồn viện trợ từ nước ngoài cho thuốc điều trị ARV của người nhiễm HIV sẽ kết thúc. Như vậy, nếu đối tượng không tham gia bảo hiểm y tế sẽ rất khó khăn trong việc chi trả tiền thuốc điều trị thuốc kháng virus ARV. Bộ Y tế đang hướng đến mục tiêu 100% bệnh nhân có thẻ BHYT vào năm 2020.
Tại Cần Thơ, đến nay, số người nhiễm HIV điều trị ARV là hơn 2.600 người. Trong đó, gần 2.400 người đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế, vẫn còn khoảng 200 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Đến khi nguồn viện trợ không còn, những trường hợp này sẽ phải tự loay hoay chi trả quá trình điều trị. Thậm chí, việc bỏ trị, kháng thuốc là điều không thể tránh khỏi.
Tại Hội nghị "Hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT" vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, các chuyên gia cho rằng quy định "ngoài giấy tờ tùy thân, người bệnh phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình" là một trong những rào cản hiện nay.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, hiện chi phí thấp nhất cho việc điều trị thuốc của bệnh nhân HIV/AIDS khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người. Nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí điều trị tăng lên gấp 7 - 8 lần.
Xóa bỏ những rào cản về mặt pháp lý, tiếp sức cho người nhiễm HIV bằng chiếc thẻ bảo hiểm y tế ngoài ý nghĩa nhân văn, đó cũng là cách để hệ thống y tế sẽ giảm bớt gánh nặng điều trị, khi các nguồn viện trợ không còn.
Theo VTV