Yên tâm với vắc xin mới trong chương trình Tiêm chủng mở rộng
Điện Biên TV - Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức: Trong năm 2018, sẽ đưa 3 loại vắc xin mới, gồm: Vắc xin Sởi - Rubella (Việt Nam sản xuất), vắc xin ngừa bại liệt (Pháp sản xuất) và vắc xin ComBe Five (Ấn Độ sản xuất) thay thế vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1 do Hàn Quốc sản xuất) vào chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trước những thông tin mà Bộ Y tế đưa ra, nhiều phụ huynh khá lo lắng về tính an toàn của các loại vắc xin trên.
Cùng với sự “bùng nổ” thông tin chưa được kiểm chứng của các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều về mức độ an toàn của các loại vắc xin trên đã khiến không ít phụ huynh có con nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ băn khoăn. Người thì cho rằng chỉ nên duy trì các loại vắc xin cũ bởi tính an toàn đã được chứng minh qua quá trình tiêm chủng; cũng có ý kiến rằng không cho con tiêm các loại vắc xin mới vì sợ phản ứng phụ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe…
Trẻ em xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà được các y, bác sĩ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe |
Chị Nguyễn Thị Loan, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, bộc bạch: “Qua trang Facebook, tôi thấy nhiều phụ huynh tâm sự không nên cho trẻ tiêm những loại vắc xin mới. Để chờ xem sau thời gian triển khai mức độ an toàn cao thì mới đưa bé đi tiêm”. Còn chị Lò Thị Nọi, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, băn khoăn: “Gần đây trên các phương tiện truyền thông, người ta nhắc nhiều đến việc thay thế vắc xin trong chương trình TCMR, tôi thì nghĩ không sao nhưng một số gia đình trong xóm có con nhỏ bảo sợ không an toàn vì trước đến nay vẫn có các trường hợp bị phản ứng phụ do một số loại vắc xin gây ra. Dù vậy, tôi vẫn sẽ cho con đi tiêm và hy vọng các loại vắc xin này an toàn”.
Về vấn đề này, bà Dương Thị Quỳnh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho rằng: Người dân lo lắng với các loại vắc xin mới sẽ được đưa vào chương trình TCMR trong năm nay là điều khó tránh. Song, các bậc phụ huynh hãy yên tâm về mức độ an toàn của 3 loại vắc xin nêu trên. Đối với vắc xin Sởi –Rubela, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn sử dụng vắc xin do Ấn Độ sản xuất, song được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC).
Trong tháng 3 vừa qua, vắc xin này được đưa vào sử dụng thí điểm trong chương trình TCMR tại 4 tỉnh: Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa -Vũng Tàu với gần 8.000 trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi được tiêm. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin Sởi – Rubella do Ấn Độ sản xuất.
Đối với vắc xin ComBe Five, đây là vắc xin do Ấn Độ sản xuất đã được ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2017 nhằm thay thế vắc xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1 ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Hàn Quốc đã ngừng sản xuất từ năm 2017. Để đảm bảo tính an toàn, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm nhóm nhỏ tại 4 huyện: Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).
Qua theo dõi sau tiêm, trẻ có những những phản ứng phụ, nhưng đây là những phản ứng an toàn. Với loại vắc xin bại liệt, để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt từ năm 2000, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV, Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8 - 2018. Bởi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì với những nước đang sử dụng vắc xin bại liệt uống thì cần sử dụng thêm một liều vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi.
Bà Dương Thị Quỳnh Châu khẳng định, với những loại vắc xin mới mà Bộ Y tế đưa vào sử dụng trong năm 2018 đều đã được thí điểm trước khi sử dụng rộng dãi trên toàn quốc nên tính an toàn cao. Chính vì thế, ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR, nhất là các loại vắc xin mới sẽ được đưa vào tiêm trong thời gian tới để phòng các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng.
CTV - Văn Quyết