Trong tháng 5/2018, sẽ điều chỉnh giá của 40 dịch vụ y tế

Thứ Tư, 11/04/2018, 10:06 [GMT+7]

Trước mắt là điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.
 
Theo Bộ Y tế, Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong cả nước là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Đồng thời giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 9/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong giai đoạn 1: đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Trong đó, sẽ khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.

1
Đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. (Ảnh minh họa)


Giai đoạn 2: Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ.

Đồng thời, Bộ sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tính ngày điều trị nội trú theo hướng như: các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới; chuyển sang cơ sở khác; quy định giường điều trị ban ngày…

“Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội khảo sát tổng thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước, sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay và xây dựng định mức giá của 2.000-3.000 dịch vụ để hội nhập với quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có 18.000 dịch vụ, rất khó thanh toán cũng như giám định của bảo hiểm mặc dù có phần mềm kết nối thông tin”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế), thực tế có một số đơn vị có lượt khám bệnh/1 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (do tuyến huyện thông tuyến từ 1/1/2016). Bên cạnh đó, một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi tai mũi họng cao hơn định mức tính giá.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, hiện đang tiến hành khảo sát lại định mức về kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ này và tính lại giá tại thời điểm hiện nay. Từ đó, các bên sẽ họp bàn, tính toán kỹ và thống nhất điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các các Bộ: Y tế, Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời cần tính toán kỹ khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018- 2020 để không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ./.

 

Theo VOV

.