Vì sức khỏe nhân dân
Điện Biên TV - Thầy thuốc giỏi không những giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà đòi hỏi phải có đạo đức, trách nhiệm, tinh thần tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời “Lương y phải như từ mẫu”. Những năm qua, tập thể cán bộ ngành Y tế tỉnh luôn luôn hoàn thành sứ mệnh, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xứng đáng là những “chiến sỹ áo trắng” trong cuộc chiến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Vượt quãng đường dài hơn 200km, chúng tôi đến Trạm Y tế xã Nậm Vì (Mường Nhé). Nơi mà y sỹ Mào Văn Hiếm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đã và đang dành hết tâm huyết để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong quãng thời gian công tác của mình, y sỹ Mào Văn Hiếm được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền địa phương, ngành Y tế vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân, mà cao quý nhất là Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế.
Thầy thuốc giỏi không những giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà đòi hỏi phải có đạo đức, trách nhiệm, tinh thần tận tụy, hết lòng phục vụ người bệnh |
Có chứng kiến tận mắt, lắng nghe những chia sẻ của y sỹ Hiếm mới cảm nhận được tấm lòng người thầy thuốc bao la nhường nào. Gắn bó nghề 30 năm, y sỹ Mào Văn Hiếm hiểu rõ sự vất vả của người thầy thuốc thường xuyên công tác ở vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, sự vất vả ấy chính là động lực giúp ông gắn bó và cống hiến cho nghề đến thời điểm hiện tại.
Nói về nghề của mình, y sỹ Mào Văn Hiếm, tâm sự: Có những lúc tôi muốn tìm công việc khác bởi nghề y vất vả quá. Nhưng chính hoàn cảnh gia đình là động lực thôi thúc tôi gắn bó cũng như yêu nghề cho đến tận bây giờ. Lúc nhỏ, cả bố và mẹ tôi đều mang trong mình căn bệnh khó chữa, nhà nghèo, lại không có tiền chữa trị, trước hoàn cảnh nhìn người thân mình đuối sức đến khi trút hơi thở cuối cùng, tôi dặn mình sau này phải làm nghề y để chữa bệnh cho người nghèo.
Thế nên, cứ mỗi lần gặp thế khó trong công việc, nghị lực lại giúp tôi chiến thắng tất cả. Y sỹ Hiếm còn nhớ, có lần hơn 1 giờ sáng, trời mưa to, phải lội qua nhiều con suối nguy hiểm, dắt xe đi bộ vì đường lầy lội để tới nhà dân chữa bệnh, đến nơi, quần áo ướt sũng, chân, tay run rẩy vì lạnh, nhưng khi giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, mọi cực nhọc đều tan biến.
Bằng tâm huyết và niềm đam mê, y sỹ Mào Văn Hiếm đến đâu cũng được nhân dân tin yêu, quý mến. Là người dân xã Nậm Vì, cũng là người từng được y sỹ Hiếm chữa bệnh, chị Giàng Thị Sua, bản Huổi Chạ 1, chia sẻ: Y sỹ Hiếm ở đây được dân mình quý lắm, có hôm đêm khuya, gia đình nào có người thân ốm đau bệnh tật, gọi là bác ấy tới ngay. Không chỉ riêng bản thân chị Giàng Thị Sua mà ở xã Nậm Vì rất nhiều gia đình đã được y sỹ Hiếm đến tận nhà tận tay chăm sóc, điều trị bệnh.
Với ngành Y tế, dù nơi đâu, hay công tác ở bộ phận chuyên môn nào chăng nữa thì sứ mệnh cao cả vẫn là “gác” sức khỏe cho nhân dân. Và điều quan trọng nhất, đối với người làm công tác y tế để bám trụ được với nghề phải tình yêu, lòng đam mê, sự tâm huyết và phải đặt sức khỏe nhân dân như tính mạng của mình.
Chẳng nói đâu xa, vừa qua, dịp tết nguyên đán là thời gian đông bệnh nhân khiến cường độ làm việc của cán bộ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày một nhiều hơn. Vất vả là thế, song thái độ phục vụ của cán bộ y, bác sỹ khiến bệnh nhân ai đến cũng nở nụ cười hài lòng. Và mỗi cán bộ y, bác sỹ, họ luôn đặt mình vào vị trí người bệnh và làm hết khả năng có thể. Bởi tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân là món quà lớn nhất, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, mệt nhọc.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.000 cán bộ, nhân viên y tế (cả y tế công lập và ngoài công lập), trong đó gần 2.000 nhân viên y tế thôn, bản. Làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, chế độ chính sách chưa cao, nhưng với tấm lòng hết lòng vì sức khỏe nhân dân, họ vẫn luôn vượt qua khó khăn, quyết tâm bám trụ với nghề, hoàn thành nhiệm tốt vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Đổi lại nỗ lực, công sức của hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tỉnh, năm qua, thành quả to lớn nhất là tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm… chính vì thế các chỉ số về sức khỏe của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hưởng ứng phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”, cán bộ y, bác sỹ toàn ngành luôn làm tốt nhiệm vụ với phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”
Thầy thuốc như mẹ hiền, tiếp thu lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng trau dồi y đức, rèn luyện y thuật, chấp hành nghiêm quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị; có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của mình… những việc làm, hành động đó đã tạo dựng được niềm tin, sự kính trọng từ người bệnh; để rồi chính họ - những người thầy thuốc ấy mãi mãi xứng đáng với cái tên rất đỗi bình dị nhưng thật cao cả: “Chiến sĩ áo trắng” trong lòng nhân dân!.
CTV - Văn Quyết