Ở nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết

Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, tính mạng bệnh nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Lúc bấy giờ, không chỉ người nhà bệnh nhân lo lắng mà áp lực cũng đè nặng trên đôi tay các bác sĩ, đòi hỏi họ phải dốc hết sức để cứu chữa, điều trị giành giật lại sự sống còn cho người bệnh. 

Mặc dù công việc rất bận rộn, song bác sĩ Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn dành chút thời gian để chia sẻ với chúng tôi về công việc hàng ngày của khoa. Bác sĩ Phong bảo: “2017 là năm khá vất vả nhưng đầy niềm vui với tập thể cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện nói chung và Khoa Cấp cứu nói riêng.

1
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tình chăm sóc người bệnh.

 

Trên cương vị là bác sĩ ở khoa, có lẽ ca điều trị cho bệnh nhân đột quỵ não gần đây nhất khiến tôi nhớ mãi. Và câu  chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như lần điều trị ấy, tôi và ban lãnh đạo Bệnh viện phải đưa ra quyết định hết sức mạo hiểm để giành giật sự sống còn cho bệnh nhân”.

Đó là lần điều trị cho bệnh nhân N.T.A, 67 tuổi ở TP. Điện Biên Phủ. Khi đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người, không nói được… Theo chẩn đoán của các bác sĩ, đây là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh thường khó có thể qua khỏi, hoặc nếu qua khỏi thì mang tàn tật suốt đời…

Nhận thấy tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ca trực của Khoa Cấp cứu đã ngay lập tức xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện. Lúc bấy giờ, bác sĩ Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo lấy máu xét nghiệm, đồng thời điều trị kiểm soát đường máu, huyết áp và đưa bệnh nhân chụp Ctscanner sọ não. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào phòng theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Qua hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị ngay trong khung giờ vàng (3 giờ đầu sau tai biến).

Điều đáng chú ý là khi ấy kỹ thuật này mới được chuyển giao từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, chưa được Hội đồng chuyên môn của tỉnh cấp chứng chỉ nhưng trước ranh giới sống còn của người bệnh, các bác sĩ bệnh viện đã mạnh dạn quyết định thực hiện kỹ thuật này. Kết quả là sau 72 tiếng bệnh nhân đã tự nhấc được chân, tay lên khỏi mặt giường. Và sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và tập thể y, bác sĩ.

Năm qua, bằng tinh thần trách nhiệm và sự hỗ trợ nhiệt tình của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, tập thể cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã làm nên kỳ tích khi cứu sống một bệnh nhân bị tai nạn nặng.

Theo lời kể của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hồi tháng 3, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.L. ở TP. Điện Biên Phủ bị tai nạn khi đang lưu thông trên đường. Xe máy do chị Nguyễn Thị L. điều khiển va chạm với ô tô tải đi ngược chiều. Hậu quả là chị L. bị bánh xe tải đè lên toàn bộ phần bụng và ngực khiến thành ngực, thành bụng dập, vỡ cơ hoành ngăn cách giữa bụng và lồng ngực, làm cho toàn bộ nội tạng dồn hết lên lồng ngực. Chị L. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng bị sốc nặng, suy hô hấp, khó thở, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.

Trước tình hình đó, cùng với việc cấp cứu cho nạn nhân, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức cuộc hội chẩn qua đường truyền Telemidicine với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đồng thời chờ bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức lên Điện Biên hỗ trợ phẫu thuật. Ca phẫu thuật kéo dài 2 tiếng rưỡi đã thành công như mong đợi. Và chỉ sau 6 giờ được phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh và dần hồi phục. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời mà tất cả các bác sỹ trong kíp phẫu thuật mong đợi.

Ở bệnh viện, các cán bộ y, bác sỹ không ai là không vất vả. Họ không những bị áp lực từ phía bệnh nhân mà còn từ thân nhân của người bệnh, hoặc những người có thù oán với bệnh nhân xông vào bệnh viện gây chuyện (nhất là các bệnh nhân nhập viện sau vụ đánh nhau).

Nhiều trường hợp người bệnh vào cấp cứu, người nhà đứng bên ngoài sốt ruột trước tình trạng bệnh của người thân nên có những lời nói, hành động làm tổn thương bác sĩ. “Ai có người thân vào bệnh viện cấp cứu cũng sốt ruột, luôn muốn người thân của mình được chăm sóc, chữa trị sớm nhất, nhưng việc bác sĩ đưa ra quyết định xử trí bệnh nhân nào trước hay tạm thời chờ là tùy theo tình trạng của người bệnh. Nếu trong phòng cấp cứu có ca nguy hiểm đến tính mạng thì bác sĩ phải giải quyết trước, dù ca đó đến sau những ca tình trạng bệnh nhẹ hơn và không bị đe dọa tính mạng; nhất là với những ca tai nạn đột xuất, nếu qua khoảng thời gian vàng thì khả năng cứu sống thấp hơn” – bác sĩ Phong chia sẻ.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong số rất nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viên Đa khoa tỉnh giành giật lại sự sống với “thần chết” thành công. Và theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, chưa kể những ngày lễ, tết còn tăng gấp bội.

Trong đó số đó, có những ca bệnh nặng đứng trước ranh giới của sự sống còn như “ngàn cân treo sợi tóc” phải chuyển ngay lên phòng mổ. “Mỗi lần bước vào ca phẫu thuật, chúng tôi luôn cố gắng làm hết khả năng có thể. Khi ca mổ thành công, bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, chúng tôi mới yên tâm phần nào. Tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân là món quà lớn nhất, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, mệt nhọc” - bác sĩ Lê Nguyên Lượng, Phó khoa Gây mê Phẫu thuật bộc bạch.

Áp lực công việc nhiều, nhưng với trọng trách “gánh sức khỏe” cho người dân, đặc biệt là tiếp thu lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, mỗi cán bộ y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi y đức, rèn luyện y thuật, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh… những việc làm, hành động đó đã tạo dựng được niềm tin, sự kính trọng trước nhân dân.

Được biết, nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn nhận được sự hỗ trợ của của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến trung ương. Năm 2013, Bệnh viện trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương. Trong đó, đơn vị đã tiếp nhận thành công nhiều gói kỹ thuật từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, như: Kỹ thuật chụp, phân tích kết quả cắt lớp vi tính trong cấp cứu ngoại khoa; Phẫu thuật nội soi tán sỏi tiết niệu ngược dòng bằng laser; Phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi; Phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi… Qua đó góp phần to lớn trong việc điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

 

 

CTV - Văn Quyết

.