Phòng bệnh tay chân miệng không đơn giản như bạn nghĩ
Bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan nên việc phòng bệnh phải thực hiện ở cả các cơ sở y tế và trong cộng đồng.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ trên 90%. Bệnh có thể xuất hiện rải rác hoặc bùng phát thành các ổ dịch nhỏ vào mùa hè ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như chốc, thủy đậu, dị ứng dẫn đến điều trị sai lầm và làm bệnh lan tràn.
PGS. TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong khi điều trị bệnh tay chân miệng, việc chăm sóc là quan trọng nhất. Chăm sóc cho phù hợp với từng trường hợp bệnh.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng nên việc phòng tránh lây lan bệnh là điều rất quan trọng.
Lời khuyên phòng bệnh tay chân miệng:
Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Nhân viên y tế mang khẩu trang, rửa và sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
- Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa.
Phòng bệnh ở cộng đồng:
- Làm sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý.
- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân của trẻ.
- Theo dõi, cách ly trẻ tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên mắc bệnh.
Theo VTV