Ai có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn bệnh viện?

Thứ Sáu, 24/11/2017, 15:50 [GMT+7]

Chuyên gia nhiễm khuẩn - BS Nguyễn Việt Hùng: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh thiếu tháng là đối tượng dễ nhiễm khuẩn và tỉ lệ tử vong cao.
 
Sau sự cố y khoa khiến 4 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, cụm từ “nhiễm khuẩn bệnh viện” được dư luận đặc biệt quan tâm và lo lắng mình có trong nhóm nguy cơ bị nhiễm khuẩn bệnh viện hay không?

Trả lời phóng viên VOV.VN, BS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một vấn đề nan giải, là thách thức của ngành y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Tình trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay, đặc biệt những đơn vị hồi sức tích cực, đơn vị có phẫu thuật, theo khảo sát chung của quốc gia là khoảng 8%,. Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%.

Nhiễm khuẩn bệnh viện từ đâu mà có?

Theo BS Hùng, trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, các nhân viên y tế làm trong các khoa sơ sinh nói chung và hồi sức sơ sinh nói riêng rất bị áp lực. Hơn nữa, các bác sĩ phải làm nhiều thủ thuật với trẻ để cứu chữa nên nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào càng cao, trẻ dễ bị nhiễm trùng huyết, đa phủ tạng, suy đa phủ tạng và tử vong.
 

1
BS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai


BS Nguyễn Việt Hùng nói: “Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế đã tốt nhưng vẫn cần sự hợp tác từ phía người nhà vì chỉ cần một sơ suất nhỏ như không rửa tay thì lồng ấp, giường bệnh bị nhiễm khuẩn. Để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, việc đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh.

BS Hùng nêu rõ, vi khuẩn trước khi vào cơ thể gây nhiễm khuẩn sẽ nằm ngay chính trên cơ thể các trẻ chứ không phải trong không khí hay luồng gió. Vì vậy, việc phòng ngừa phải được thực hiện từ trước khi bước vào buồng bệnh chứ không phải khi làm thủ thuật mới vô khuẩn.

“Trong không khí luôn tồn tại vi khuẩn, nhưng chúng thường không gây bệnh. Vi khuẩn này sẽ thường trú trên cơ thể trẻ. Khi có can thiệp thủ thuật, sẽ mở đường cho vi khuẩn vào trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ xẻ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng phải can thiệp nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng tăng lên. Một minh chứng rất cụ thể là dịch sởi ở nước ta năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ em tử vong. Nguyên nhân lớn là do kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh. Nếu không có tình trạng quá tải ở tuyến trên, cộng với việc kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, đã không xảy ra nỗi đau lớn cho ngành trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn”, BS Nguyễn Việt Hùng nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Chia sẻ them về vấn đề này từ trường hợp các trẻ sơ sinh từ BV Sản nhi Bắc Ninh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa nhi, BV Bạch Mai nhấn mạnh: Vi khuẩn bệnh viện dễ nhờn kháng sinh. Các vi khuẩn chia làm hai nhóm là: cộng đồng và bệnh viện. Trong đó, vi khuẩn bệnh viện thường độc vì sống trong môi trường bệnh viện.
 

1
Trẻ sinh non được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh đến BV Bạch Mai được chăm sóc đặc biệt.


BS Dũng dẫn một trường hợp cụ thể đó là bé Đỗ Bảo L. được chuyển từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm trùng nặng, tổn thương rất nhiều cơ quan, cơ quan đầu tiên đó là phổi.

Khi trẻ được đưa vào khoa Nhi của Bệnh viện, các bác sĩ cho trẻ thở máy với nồng độ oxy cao. Tình trạng sốc nhiễm khuẩn của trẻ rất nặng nên các bác sĩ phải theo dõi huyết áp động mạch và các đấu hiệu sinh tồn rất chặt chẽ. Trẻ nhiễm trùng huyết nặng, tổn thương ở phổi, tim, gan, não. Sáng 22/11, các bác sĩ khoa Nhi đã tìm thấy vi khuẩn trong máu trẻ.

Đứa trẻ này sẽ được các bác sĩ tại khoa sử dụng kháng sinh phối hợp các công nghệ mới và hiện đại nhất để khống chế nhiễm trùng, bệnh nhân mới có tiến triển. Sau đó là chuyện ăn uống. Cơ thể trẻ phải khỏe, dinh dưỡng, kết hợp với thuốc, máy móc, chăm sóc… tốt mới khống chế được nhiễm trùng.

Khi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn, BS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, trách nhiệm thuộc về người quản lý vì liên quan tới các quy chuẩn về vô khuẩn, chăm sóc bệnh nhân còn nhân viên y tế chỉ là lỗi hành vi. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được các quy chuẩn đó. Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả khi chúng ta vô khuẩn tốt.

Theo BS Hùng, hiện nay tỷ lệ rửa tay của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 50% trong khi thế giới là 90%. Rất ít người có thói quen này và là một trong những lỗ hổng, cơ hội để vi khuẩn gây bệnh. Cuộc chiến giảm vi khuẩn phải trường kỳ và rất nhiều đối tượng cùng tham gia mới giải quyết được vấn đề. Nếu một người không tuân thủ tốt thì nguy cơ nhiễm khuẩn vẫn còn. Nếu bị nhiễm khuẩn, phun thuốc diệt khuẩn chỉ là biện pháp tạm thời chứ không phải là giải quyết tận gốc. Khi có con người vào môi trường đó, nhiễm khuẩn sẽ lại xuất hiện. Có thể nói, nhiễm khuẩn bệnh viện là thách thức đồng hành cùng thầy thuốc đặc biệt những thầy thuốc cấp cứu, phải làm các thủ thuật”./.

 

 

Theo Thu Thủy – Hải Yến/VOV.VN

.