Ấm tình Tết Trường Sa

Thứ Sáu, 24/01/2020, 09:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đón Xuân Canh Tý 2020, quân dân trên đảo Sinh Tồn, quần Đảo Trường Sa luôn giữ những phong tục của ngày tết cổ truyền dân tộc. Mọi người cùng nhau trang trí nhà cửa, bàn thờ gia tiên và đặc biệt là quây quần gói bánh chưng đón Tết.

1
Xuân về trên đảo Sinh Tồn

Cũng như các Đảo ở Trường Sa, không khí xuân tràn ngập ở đảo Sinh Tồn, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã chung tay chuẩn bị một cái tết ấm áp, giữa tiếng sóng biển rì rào ngày cuối năm, các anh cùng trang trí cây quất, chuẩn bị thực phẩm, cỗ cúng...

Nhiều năm sống trên đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, gia đình chị Lữ Thị Kim Cúc luôn chuẩn bị chu đáo cho cả nhà ăn tết cố truyền, các gia đình trên đảo cùng bộ đội gói bánh chưng, đêm đến, người lớn, trẻ nhỏ ngồi quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh. Chiều 30 Tết, mọi người cùng bày soạn mâm cúng Tất niên, mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.

Chị Lữ Thị Kim Cúc cho biết, ăn Tết trên đảo không đủ đầy như đất liền nhưng không thiếu những món ăn ngày tết truyền thống: "Tết Nguyên đán năm nay gia đình chuẩn bị cũng chuẩn bị đầy đủ hàng Tết cho gia đình, một phần quà tặng từ đất liền gửi ra như nhu yếu phẩm, bánh kẹo cho các cháu. Sáng mồng 1 Tết, các hộ dân cùng tham gia lễ chùa, thăm bộ đội, động viên anh em ở lại đảo công tác vui vẻ".

1
Tết ở Trường Sa dù không được đủ đầy so với đất liền nhưng vẫn ấm áp tình xuân.

Trung tá Nguyễn Văn Quang, Chỉ huy trưởng Đảo Sinh Tồn cho biết "Dù đón tết xa nhà nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều vui vẻ bởi khi đã chọn con đường làm quân nhân thì đã xác định việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng nhất",

Đã có thâm niên ăn tết ở đảo, anh Doãn Thế Hiển cho biết, mấy ngày nay anh em trên đảo cùng nhau giã giò, gói bánh. Không khí tết thực chất đã xuất hiện từ đầu tháng 1 khi những chuyến tàu từ đất liền chở lương thực, thực phẩm và chiến sĩ mới ra. Tết là lúc mọi người trên đảo cùng quây quần nấu bánh chưng và đợi đón giao thừa. Trước đó nhiều ngày, công tác chuẩn bị đón Tết, đón giao thừa cũng được triển khai với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chuẩn bị chương trình văn nghệ chào năm mới...
 

1
Thông thường những dịp Tết đến như thế này, trên đảo vẫn sử dụng lá bàng vuông để gói bánh chưng, gói lên thì bánh cũng có màu xanh.
1
Tết cổ truyền đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Ngày xuân, ở nơi đảo xa, quân và dân Trường Sa lại có những ngày tết ấm áp, chan chứa yêu thương

Theo tìm hiểu tôi được biết, bàng vuông là biểu tượng của sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Lá bàng vuông to, dày và xanh như lá dong, lành tính rất hợp để gói bánh chưng trên đảo.

Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: “ Những năm trước, khi việc vận tải còn nhiều khó khăn, lá dong vận chuyển từ đất liền ra đến các đảo cũng đã bị khô héo không thể gói bánh được. Vì vậy, quân và dân ở Trường Sa đã nghĩ ra cách gói bánh chưng đón Tết bằng lá bàng vuông, một loại cây đặc trưng nơi đầu sóng ngọn gió.

Cho đến nay, mặc dù lá dong đã được vận chuyển ra đảo kịp thời hơn nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, quân và dân trên đảo vẫn thường lấy lá bàng để gói bánh như một nét đẹp truyền thống để tạo hương vị bánh chưng riêng ở Trường Sa”.

1
Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông mang hương vị riêng của Trường Sa.
1
Bánh chưng ngày Tết, đã trở thành phong tục văn hóa của người Việt. Và ở nơi đảo xa việc lưu giữ truyền thống này càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng. Tuy không  đầy đủ như đất liền. Song Tết cổ truyền vẫn hiện hữu nguyên vẹn, vẫn ấm áp tình đoàn kết của những người lính đảo kiên cường
1
Mùa Xuân đang về trên Đảo Sinh Tồn


 

Hương trà/DIENBIENTV.VN

.