Quan tâm khen thưởng cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác

Thứ Ba, 09/07/2019, 06:41 [GMT+7]

Đây là yêu cầu của Bộ Nội vụ tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

1
Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ, đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước việc đánh giá, công nhận thành tích và đề nghị cấp trên khen thưởng do Người đứng đầu bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của bộ, ban, ngành, địa phương việc đánh giá, công nhận mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng của thành tích, do bộ, ban, ngành, địa phương quy định.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng có trách nhiệm công khai tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” trên phương tiện thông tin thuộc thẩm quyền quản lý như Báo ngành, địa phương, Cổng thông tin điện tử, Tạp chí....

Việc lấy ý kiến của nhân dân trên phương tiện thông tin và kết quả xử lý thông tin (kể cả đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu có) phải báo cáo Hội đồng Thi đua, Khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh trước khi quyết định khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng.

Hình thức, mức hạng khen thưởng phải phù hợp với thành tích đạt được. Quan tâm khen thưởng cá nhân, tập thể từ yếu kém, phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; người dân tộc thiểu số và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, học tập, công tác. Không cộng dồn thành tích đã khen của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau.

Công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến

Theo dự thảo, việc đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, công nhận. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng chỉ tham mưu xem xét, đánh giá phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả ứng dụng của sáng kiến và đề tài nghiên cứu khoa học.

Việc xét, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua các cấp và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng là đề tài khoa học đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên, được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao, đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để xét, tặng danh hiệu thi đua. Phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng ở cấp cơ sở thì xét, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; ở cấp bộ, ban, ngành, địa phương thì xét, tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh; phạm vi toàn quốc thì đề nghị xét, tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.