Điện Biên TV – Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra chiều 9/7, Giám đốc Sở Tài Chính tỉnh Điện Biên đã giải trình về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
|
Quang cảnh Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. |
Trong phiên chất vấn Đại biểu Mùa Thanh Sơn hỏi: Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo Nghị quyết số 61/2017 NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải thực hiện từ 01/8/2017 đến nay cũng đã được gần 2 năm.
Nhưng qua khảo sát thực tế, việc nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa được bàn giao để đi vào hoạt động (Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước từ ngày 09/5/2019) đồng nghĩa với việc người dân chưa được sử dụng dịch vụ về xử lý nước thải sinh hoạt, trong khi đó vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (10% trên gia bán của 1m3 nước sạch...)
Vậy việc thu phí trên của tổ chức, hộ gia đình đã đảm bảo đúng với quy định của Luật phí và lệ phí chưa? Việc sử dụng khoản thu phí này như thế nào theo đúng tinh thần Nghị định số 154/2016/NĐ-CP của Chính phủ?
|
Ông Hà Quang Trung - Giám đốc Sở Tài Chính trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021. |
Trả lời chất vấn Đại biểu HĐND tỉnh Ông Hà Quang Trung - Giám đốc Sở Tài Chính cho biết:
Nhà máy xử lý nước thải thành phố Điện Biên Phủ có Tổng mức đầu tư là 303,807 tỷ đồng (được đầu tư bằng hai nguồn Vốn vay ưu đãi Phần Lan 10,3 triệu EUR và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 39,1 tỷ đồng).
Công suất thiết kế của Nhà máy 10.000 m3/ngày đêm. Phạm vi thiết kế hợp phần thoát nước và xử lý nước thải gồm: Phường Tân Thanh, Mường Thanh ở khu trung tâm thành phố, phường Noong Bua, phường Thanh Bình.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành đang trong giai đoạn chạy thử - bàn giao đưa vào sử dụng, Tài sản hình thành sau đầu tư được UBND tỉnh giao cho thành phố Điện Biên phủ quản lý, khai thác; theo quy định căn cứ vào các chi thực tế để vận hành nhà máy thì thành phố phải xây dựng phương án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải của nhà máy gửi các cơ quan chuyên môn thẩm định trình UBND tỉnh ban hành (UBND tỉnh đã có văn bản giao cho thành phố ĐBP thực hiện).
Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện xả nước thải vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Điện Biên phủ phải nộp tiền theo giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 quy định: các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.
Khoản thu từ giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được sử dụng để chi trả cho việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, phần còn thiếu sẽ được ngân sách địa phương cấp bù để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị thực hiện quản lý vận hành hệ thống.
|
Ông Hà Quang Trung - Giám đốc Sở Tài Chính cho hay khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt sử dụng nhằm mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường sống là phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ. |
Đối với việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của tổ chức, hộ gia đình Ông Hà Quang Trung - Giám đốc Sở Tài Chính trả lời:
Theo quy định tại Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải quy định: đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là nước thải sinh hoạt các hộ gia đình; mức phí tối thiểu là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng
Người nộp phí thực hiện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải cho đơn vị cung cấp nước sạch đồng thời với việc thanh toán tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng hàng tháng (hiện nay tỉnh Điện Biên đang thực hiện thu “Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt” bằng mức tối thiểu theo quy định Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ).
Như vậy, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt bằng 10% giá trị của 01 m3 nước sạch (qua hóa đơn nước sinh hoạt) từ tháng 8/2017 đến nay là đúng theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Mặt khác theo quy định tại Điều 148 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định: “Phí bảo vệ môi trường là khoản phí mà tổ chức, cá nhân phải trả do hoạt động của họ hoặc sản phẩm họ dùng có ảnh hưởng bất lợi cho môi trường, làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường.
Khoản 3, Điều 9 Nghị định số 154 quy định: sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định, số còn lại nộp NSĐP để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường, bổ sung cho quy bảo vệ môi trường của đại phương để phục vụ cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải...
Đối với tỉnh Điện Biên số thu phí này không lớn: năm 2018 thu được 5,169 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2019 thu được số tiền 1,98 tỷ đồng. Hàng năm khoản thu không đủ để bố trí cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, nên được hạch toán vào thu ngân sách địa phương và phân bổ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương khoảng 70 tỷ đồng (NS tỉnh: 18 tỷ, NS huyện 52 tỷ)
Như vậy, khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt sử dụng nhằm mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường sống là phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ./.
Tử Long/DIENBIENTV.VN