Lao động trẻ em sẽ ảnh hưởng tới tương lai đất nước

Thứ Bảy, 08/06/2019, 09:00 [GMT+7]

 “Đừng để trẻ em làm việc trên cánh đồng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ” là chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em 12/6.

2
Trẻ em cần được nói lên tiếng nói của mình. Ảnh: VGP


Ngày 7/6, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn vận động chính sách hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em 12/6 với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên cánh đồng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”.

Tham dự diễn đàn có 200 thiếu nhi đến từ 11 huyện, xã thuộc địa bàn dự án ENHANCE (Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam) và các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại liên đội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Chang Hee Lee, Giám đốc văn phòng tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trẻ em cần được tới trường chứ không phù hợp để lao động trong thời gian dài, trong môi trường có thể gây nguy hại cho các em. Đó là điều đe dọa với nguồn lao động trong tương lai và tương lai của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, cho biết: lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu, theo ước tính của ILO, hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo Báo các khảo sát quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến dưới 17 tuổi. Đa số trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp (chiếm 67%). Trong 18 công việc tập trung trên 80% lao động trẻ em tham gia làm việc, có 11 công việc thuộc khu vực nông nghiệp. Địa điểm làm việc phổ biến là cánh đồng, nông trại, vườn cây. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

1
Trẻ em vẽ tranh về ước mơ của bản thân. Ảnh: VGP



Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Ngày Thế gới phòng chống lao động trẻ em năm 2019 có chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”, có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để đảm bảo cho trẻ em có một tương lai tốt đẹp.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á hình thành liên minh nhằm loại bỏ tất cả các hình thức lao động trẻ em vào năm 2025, trong đó tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.