Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn
Điện Biên TV - Tỉnh Điện Biên có 103 xã miền núi và xã biên giới đặc biệt khó khăn. Với hạ tầng kinh tế yếu kém, không đồng bộ, sản xuất chưa phát triển, Nhân dân nhiều nơi chưa thoát khỏi đói nghèo, việc đầu tư hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới không phải một sớm một chiều. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những trăn trở về nâng cấp kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống, thì việc tạo sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, cũng vẫn đang là khó khăn lớn với các xã này.
Xã Na Tông huyện Điện Biên có tới trên 50% hộ nghèo. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc ổn định sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn là vấn đề cốt lõi với xã, tuy nhiên nỗ lực tạo sự thay đổi của xã này đang vấp phải nhiều khó khăn.
Na Tông có trên 200 ha ruộng nước nhưng vụ chiêm xuân vừa qua thời tiết khô hạn, nguồn nước tưới tiêu khan hiếm, bà con nông dân trong xã chỉ gieo cấy được hơn 70ha. Tiêu biểu như bản Na Sản, cả bản có trên 20 ha ruộng nước nhưng vụ chiêm vừa qua bà con dân bản chỉ gieo cấy được 50% diện tích.
BTC Tỉnh ủy Điện Biên trao bò giống cho hộ nghèo tại xã Na Tông huyện Điện Biên |
Từ tháng Ba đến cuối tháng Năm năm nay thời tiết khắc nghiệt, gần 7 ha lúa bà con bản Na Sản gieo cấy bị chết khô. Nhiều chân ruộng nứt nẻ phải bỏ hoang. Đất đai rộng rãi nhưng thời tiết khí hậu khắc nghiệt khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó, trong khi đây chính là nguồn sống của họ. Đời sống chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, ruộng lại chỉ sản xuất được 1 vụ, việc nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo luôn là điều bà con nông dân ở đây trăn trở.
Ông Vì Văn Thoại, Trưởng bản Na Sản, xã Na Tông, huyện Điện Biên cho biết: Bản chúng tôi có 39 hộ, vẫn còn 7 hộ nghèo, đời sống người dân chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vài năm gần đây bản cũng được Nhà nước đầu tư cầu treo và nguồn nước sinh hoạt. Tuy vậy do sản xuất khó khăn nên để có kinh tế, người dân vẫn phải đi làm thuê. Chúng tôi mong tới đây hệ thống kênh mương tưới tiêu sẽ được đầu tư để bà con sản xuất được thuận lợi.
Tính đến thời điểm này, xã Na Tông mới đạt 6 tiêu chí nông thôn mới. Tập trung phát triển sản xuất, tìm các loại cây trồng phù hợp tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, là hướng đi của xã hiện nay. Đất đồi núi rộng lớn, trên vùng nương rẫy bà con nông dân xã Na Tông thường chỉ gieo lúa nương hoặc trồng ngô, trồng sắn.
Cây trồng trên nương rẫy phát triển phụ thuộc nước trời và không được chăm bón, nên năng suất kém và rất dễ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, địch hại. Để sử dụng đất đai hiệu quả, ba năm gần đây một số hộ gia đình trong xã đang tìm cách chuyển đổi sản xuất, đưa giống cây ăn quả và cây công nghiệp vào trồng thử.
Các giống cây trồng mới như: Cam, bưởi, mắc ca trên đất đồi Na Tông đang phát triển khá tốt, nhưng đây mới chỉ là bước đầu của những mô hình thử nghiệm. Hầu hết các diện tích này đến nay vẫn chưa đến kì thu hoạch, nên chưa khẳng định được hiệu quả thực sự.
Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông, huyện Điện Biên cho biết: Xã Na Tông cấp ủy chính quyền cũng rất trăn trở làm sao để xóa được đói, giảm được nghèo, đạt được các tiêu chí nông thôn mới. Với xã diện tích nương đồi nhiều, trước đây bà con nhân chủ yếu gieo trồng ngô, lúa nhưng hiệu quả kém.
Để nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân, chúng tôi đang vận động bà con đưa cây ăn quả như bưởi, cam và cây mắc ca vào trồng trên nương đồi. Các diện tích này đã trồng được 3 năm, năm nay bắt đầu ra quả bói. Nếu hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi sẽ vận động bà con nhân dân đưa các loại cây trồng này vào để cải thiện thu nhập.
Xã Hẹ Muông huyện Điện Biên còn tới 53% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 14.3 triệu đồng/người/năm |
Cũng giống như Na Tông, xã Hẹ Muông được chia tách thành lập từ xã Núa Ngam huyện Điện Biên năm 2012. Cho đến nay hạ tầng kinh tế của xã này vẫn đang trong tình trạng thiếu và yếu. Đường trục xã và hầu hết các tuyến đường nội bản ở đây mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội.
Các cây cầu lớn, nhỏ giúp người dân lưu thông ra, vào địa bàn, tải trọng yếu và đang dần xuống cấp, gây khá nhiều khó khăn cho Nhân dân trong vận chuyển hàng hóa và lưu thông.
Bản Hẹ 1 ở ngay trung tâm xã Hẹ Muông. Đây là bản duy nhất trong 10 thôn bản của xã có đường nội bản được đổ bê tông. Năm 2018, có đường bê tông sạch sẽ, một số hộ gia đình ở đây đầu tư sửa sang nhà cửa, tuy nhiên việc vận chuyển vật liệu qua các cầu treo rất khó khăn, giá nguyên vật liệu vì thế mà tăng cao, gây trở ngại cho Nhân dân. Không chỉ cầu, đường chưa được đầu tư, hệ thống công trình hạ tầng phục vụ an sinh xã hội như trường học, trạm y tế của xã hiện này đều đang thiếu thốn.
Ông Lù Văn Bình, Trưởng bản Hẹ 1, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên cho biết: Bản Hẹ Muông chúng tôi có 89 hộ dân trong đó có 20 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo. Dân bản vẫn luôn cố gắng vươn lên, phát triển kinh tế. Gần đây Nhà nước đã đầu tư cho dân bản đường bê tông. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có cầu cứng để đi lại, trạm y tế, trường học cũng cần được đầu tư.
Hệ thống cầu, đường, trường học chưa được nâng cấp, trạm y tế chưa được xây dựng, người dân Hẹ Muông gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, lưu thông cũng như tiếp cận các dịch vụ an sinh, chương trình xây dựng nông thôn mới với xã nghèo này vì vậy cũng còn nhiều trở lực.
Trăn trở với những khó khăn trước mắt, cấp ủy, chính quyền địa phương đang lãnh, chỉ đạo Nhân dân thực hiện nhiều biện pháp vượt khó phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu mỗi năm hoàn thiện 1 tiêu chí nông thôn mới.
Ưu tiên của xã này trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 là xây dựng hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo, bởi đây là các tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến một loạt tiêu chí khác trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Do chưa có nhà trạm riêng nên trạm y tế xã Hẹ Muông huyện Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn |
Tính đến thời điểm hiện tại, xã Hẹ Muông còn tới 53% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 14.3 triệu đồng/người/năm. Với rất nhiều khó khăn phải vượt qua, để tiếp tục phấn đấu dần hoàn thiện các tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hẹ Muông sẽ cần rất nhiều nỗ lực.
Tự giác, ý thức vươn lên làm thay đổi cuộc sống của chính mình, vận dụng tốt các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để cải tạo hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã nghèo này phải đi từng bước thật vững chắc.
Tỉnh Điện Biên có 103 xã miền núi và xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh. Với hạ tầng kinh tế yếu kém, không đồng bộ, sản xuất chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc đầu tư hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới phải được tiến hành từng bước.
Với những khó khăn trước mắt, bên cạnh việc vận dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, các xã đặc biệt khó khăn cần tập trung tìm hướng phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế cũng như hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện tình trạng nghèo đói, chính là việc làm quan trọng nhằm thúc đẩy địa phương từng bước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững./.
Minh Giang – Ngọc Bích/DIENBIENTV.VN