Trục lợi từ việc tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi ở Hải Dương?

Thứ Bảy, 25/05/2019, 14:27 [GMT+7]

Hải Dương có dấu hiệu trục lợi chính sách từ việc tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi khiến dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền.

Thời tiết mấy ngày nay đã bớt nắng nóng, oi bức hơn nhưng không khí tại xã Bình Lãng (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) dường như trở nên nặng nề sau thông tin về việc 6 hộ dân ở địa phương này bị tố trục lợi chính sách từ việc tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi.
 

1
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.


Ông Nguyễn Khắc Viễn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãng tỏ ra mệt mỏi khi được hỏi về vụ việc 6 hộ dân bị báo chí phản ánh có dấu hiệu trục lợi chính sách của Nhà nước trong việc tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi. Sự việc khiến nhiều hộ dân khác tỏ ra bức xúc vì nghi ngờ có sự gian lận trong chuyện kê khai đối tượng nhận hỗ trợ của Nhà nước.

Đề cập vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Viễn nói: "Tôi nghĩ rằng việc này chỉ là sai quy cách tiêu hủy, tức là không tiêu hủy trên địa bàn mà lại đem đến vùng khác nhưng thực ra 2 xã đều có dịch cả thì nó đều trong vùng dịch và người ta không có ý trục lợi. Việc này, tôi cũng đã an ủi gia đình là có thế nào cung cấp như thế, đừng nói dối cái gì, còn mình không trục lợi thì không nặng nề gì, còn những nhà mua lợn đã tiêu hủy ở đâu đó rồi mang về thì đó là vi phạm pháp luật".

Câu chuyện trục lợi chính sách của Nhà nước khi có bệnh dịch không phải vấn đề bây giờ mới xảy ra, tuy nhiên câu hỏi mà dư luận đặt ra là trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong việc kiểm soát, xử lý những vấn đề liên quan đến bệnh dịch.

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, khi các địa phương công bố có dịch thì ngay lập tức phải lập chốt 24/24 giờ để kiểm soát việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.

Nếu công tác kiểm soát vùng dịch được thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ thì việc một số hộ dân ở xã Bình Lãng vận chuyển lợn từ nơi khác về, chắc hẳn là chính quyền địa phương không thể không biết.

Vì vậy, dư luận hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương này trong việc kiểm soát việc vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc ra vào vùng dịch tại đây.
 
Từ thực tế công tác kiểm tra, xác minh vụ việc ở xã Bình Lãng, ông Nguyễn Đình Tính - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) thẳng thắn nhìn nhận: "Qua công tác kiểm tra, chúng tôi thấy trong 6 hộ có nghi vấn theo phản ánh của dư luận địa phương thì 5 hộ đã mua lợn từ nơi khác chuyển về. Theo Chi cục Thú y tỉnh, trong số 5 hộ này thì 4 hộ có điều kiện chuồng trại để nuôi số lượng lợn nái lớn như thế. Như vậy, ở đây có một cách suy diễn rằng, các hộ chăn nuôi này có ý đồ gì đó khi mua lợn đang giai đoạn có dịch với cái giá rất thấp, nếu đưa vào tiêu hủy và xin hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ được số tiền cao hơn rất nhiều. Chúng tôi rất nghi vấn và điều đó rất có khả năng xảy ra".

Trước thông tin báo chí phản ánh về việc một số hộ dân ở xã Bình Lãng có dấu hiệu trục lợi chính sách từ việc tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có công văn gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xác minh, làm rõ vấn đề và thông tin trước công luận.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ và căn bản hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch để sớm khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, sớm ổn định đời sống người dân vùng có dịch bệnh.

Trên tinh thần công văn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) cho biết, địa phương sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có ý bao che và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát, kê khai đối tượng được hỗ trợ chính sách do tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi.

Ông Vũ Văn Hợp khẳng định: "Bản chất câu chuyện ở Bình Lãng như thế nào chúng tôi cũng đang tiếp tục yêu cầu các cơ quan xác minh, kiểm tra rõ. Nếu sai phạm chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật, kể cả chính quyền xã giả sử nếu có bao che, cùng trục lợi thì cũng phải xử lý".

Chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ Ban ngành và UBND các tỉnh tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “phòng, chống dịch như chống giặc”.

Các tỉnh chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và sớm chi trả tiền hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch. Song song với đó cần triển khai các biện pháp giám sát thực hiện để đảm bảo đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách của Nhà nước./.
 

 

 

Theo Hữu Hưng, Phạm An/VOV

.