Tăng tuổi nghỉ hưu nhanh dễ tạo ra cú sốc trong thị trường lao động
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng lớn đến những lao động sản xuất trực tiếp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu nhanh dễ tạo ra cú sốc, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi vừa công bố, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021.
Theo đó, phương án 1 là kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động. (Ảnh: KT) |
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đồng ý với phương án 1 Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Tuy nhiên, ông Quảng cũng lo ngại rằng: “Kinh nghiệm tại một số nước về tăng tuổi nghỉ hưu vừa qua cho thấy, tuổi nghỉ hưu tăng nhanh có thể tạo ra cú sốc, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế- xã hội khác của đất nước".
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, đặc biệt là những lao động sản xuất trực tiếp, lao động nặng nhọc tại các khu công nghiệp.
"Điều chúng tôi băn khoăn nhất là vấn đề công nhân trực tiếp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn tuổi nghỉ hưu có thể tăng lên, nhưng cơ chế xử lý để người lao động được hưởng chính sách BHXH thì được quyền lựa chọn theo quy định để thực hiện chính sách đó một cách linh hoạt, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đối với những đối tượng này, có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động", ông Quảng nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề với nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang trong quá trình già hóa dân số nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính đến.
Vấn đề là lộ trình tăng như thế nào và nhóm đối tượng nào tăng trước, nhóm đối tượng nào tăng sau. Ảnh hưởng nhất là nhóm đối tượng lao động trực tiếp cần có những đánh giá tác động cụ thể bởi thực tế tại nhiều khu công nghiệp – khu chế xuất, lao động làm đến 35-40 tuổi đã bị đào thải. Do đó, lộ trình tăng cần nghiên cứu kỹ để giảm tác động tới các vấn đề xã hội./.
Theo Nguyễn Trang/VOV