Vụ chó cắn chết người ở Hưng Yên: Chủ có thể bị phạt đến 5 năm tù
Theo luật sư, chủ nuôi để chó không rọ mõm, cắn chết người như ở Hưng Yên có thể bị phạt lên đến 5 năm tù.
Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây như đàn chó thả rông cắn chết bé trai ở Hưng Yên vào ngày 3/4 hay vụ chó dại cắn khiến 2 bố con tử vong và mẹ già nguy kịch ở Hòa Bình không chỉ là nỗi đau cho gia đình nạn nhân mà còn là hình ảnh gây ám ảnh cho nhiều người, đặc biệt tâm lý hoang mang, sợ hãi khi gặp tình trạng súc vật nuôi thả rông trên đường mà không có biện pháp an toàn của chủ vật nuôi như “rọ mõm” hay có người dắt hoặc xích giữ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, Luật sư Mai Thị Thảo (Công ty luật TAT Law firm) cho biết, tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 có qui định bắt đầu từ ngày 15/9/2017, nếu chủ nuôi động vật không đeo rọ mõm cho chó, để chó cắn người khi ra đường, nơi công cộng thì người nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y về hành vi vi phạm như sau:
Theo khoản 2 Điều 7 tiểu mục 2 vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa cho ra nơi công cộng.
Đàn chó tấn công Bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên |
Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp động vật gây hại cho người khác thì tùy từng trường hợp chủ động vật nuôi, người chiếm hữu sử dụng súc vật trái pháp luật hoặc người thứ ba có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo qui định tại Điều 603 Bộ Luật dân sự 2015.
“Trường hợp chó không rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tích 61% trở lên ở nơi công cộng hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật hình sự 2017. Theo đó, hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”, Luật sư Mai Thị Thảo nhấn mạnh.
Như vậy, việc súc vật nuôi đặc biệt là chó chạy rông không tuân thủ qui định an toàn rọ mõm ở nơi công cộng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể áp dụng đối với trường hợp đàn chó cắn chết bé trai ở Hưng Yên.
Để xử lý vi phạm đúng đối tượng cần xác định chủ sở hữu đàn chó nói trên để buộc bồi thường trách nhiệm vật chất đối với chủ sở hữu, người đang chiếm hữu đàn chó nói trên, thậm chí là người thứ ba có lỗi để liên đới bồi thường cho gia đình bị hại và buộc các đối tượng nói trên phải chịu trách nhiệm hình sự theo qui định của pháp luật./.
Điều 295 Bộ luật hình sự 2017. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người: 1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. |
Theo Nguyễn Ngân/VOV