Những câu chuyện tử tế của hai người trẻ tuổi

Thứ Bảy, 06/04/2019, 16:35 [GMT+7]

Câu chuyện bán đấu giá chiếc xe đạp của cậu bé Vì Quyết Chiến (13 tuổi) đi từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em, với giá 103 triệu đồng đã khiến nhiều người ấm lòng.

1
Hình ảnh cậu bé Vì Quyết Chiến trên báo chí.


Đây không phải là lần đầu một cuộc đấu giá được tổ chức, cũng không phải lần đầu một vật mà giá trị trong cuộc đấu giá được ấn định cao gấp cả trăm, cả ngàn lần giá trị thực của một vật dụng. Điều quan trọng nhất đó là phản ứng của cả xã hội đối với hành động đẹp của cậu bé là sự lan tỏa của tình yêu thương trong xã hội hiện tại.

Thực chất việc cậu bé đi xe đạp cũ từ Sơn La tìm về Hà Nội thăm em chỉ là câu chuyện của cá nhân cậu bé, rộng hơn một chút là của gia đình cậu, hầu như không thực sự liên quan cho lắm đến cộng đồng nếu chỉ xét dưới góc độ lợi ích.

Nhưng rõ ràng, câu chuyện của tình yêu thương, dù nhỏ, dù chỉ thuộc một cá nhân hay một gia đình vẫn có sức lan tỏa vẫn có tác dụng lay động đến hàng triệu trái tim.

Hình ảnh cậu bé 13 tuổi với đôi mắt trong veo và còn cả chút ngấn lệ xuất hiện trên truyền thông đã làm hàng triệu người xúc động. Đơn giản cậu bé hành động theo mách bảo của trái tim và cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.

Ở độ tuổi ấy cậu bé lớp 7 chắc chắn chưa thể nào hình dung hết những khó khăn vất vả và chắc chắn cả những hiểm nguy có thể phải đối mặt trên đoạn đường hơn 100 km mà cậu quyết định dấn thân. Nhưng chắc chắn cậu cũng ít nhiều mường tượng được những điều phải đối mặt đó là những mệt mỏi nhọc nhằn và điều gần gũi nhất nhưng cũng đáng sợ đối với đứa trẻ đó là bữa cơm và giấc ngủ đêm sắp tới, là cảm giác phải xa gia đình khi lần đầu ra khỏi ngôi làng đi đến một nơi mà mình chưa từng biết tới.

Dường như chỉ ngần ấy lo lắng cũng đủ níu chân bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng tình yêu thương đã cất tiếng và cậu bé đã dấn thân chỉ với suy nghĩ duy nhất, nơi ấy là đứa em thân yêu và cha mẹ của mình.

Đó hoàn toàn không phải là hành động của bản năng, bởi nếu là bản năng cậu đã ở lại với mái ấm quen thuộc, nơi mà cơ hội cho sự sinh tồn chắc chắn cao hơn, chứ không phải đơn độc dấn thân vào chặng đường tít tắp. Đó là hành động được sự chỉ dẫn của tình yêu thương trong một tâm hồn trẻ thơ thuần phác và trong sáng.

Hành trình đạp xe của cậu bé và phản ứng của cộng đồng như một lời nhắc nhở chúng ra rằng cuộc sống này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Cũng trong những ngày này, báo chí đưa tin cô gái 24 tuổi, Phạm Thị Huế (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi tiếc thương không chỉ cho những người ruột thịt bạn bè mà cả rất nhiều người đã biết, đã chia sẻ, đã cảm phục về nghị lực của cô trong suốt những tháng năm sống chiến đấu với bệnh tật và không ngừng học tập, yêu và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Trong 7 năm đi cùng bệnh tật, Huế học xong THPT, sau đó tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với luận văn làm rượu vang từ thanh long đỏ. Hơn cả một vai diễn, cô gái trẻ đã dùng chính cuộc đời của mình như để kể một câu chuyện về tình yêu về nghị lực và về sự trân quý từng phút giây của đời sống. Thời điểm cuối cùng cận kề, cô đăng ký hiến tạng để làm điều có ích cuối cùng khi còn có thể.

Cuộc sống của Huế tuy ngắn ngủi, một sự ngắn ngủi được biết trước nhưng chính vì người ta càng thấy ở cô một tình yêu mãnh liệt cuộc sống một nghị lực phi thường và quan trọng nhất là thái độ luôn trân trọng những giây phút của cuộc đời mình để làm tất cả những gì có ích nhất.

Sự ra đi của Huế cũng gợi lên điều tốt đẹp bởi thái độ, nghị lực của cô khi đối mặt đấu tranh và sẽ không không hề quá đáng khi nói rằng cô đã chiến thắng bệnh tật, chiến thắng cái chết dù như bất cứ kiếp người nào cô không tránh khỏi kết thúc cuối cùng...

Câu chuyện của hai người trẻ nhắc nhở mỗi người về điều tốt vẫn còn hiện diện, lan tỏa trong chính cuộc sống hôm nay, khi quanh ta cũng còn không ít câu chuyện buồn và đau xót.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.