Hàng loạt các vụ xâm hại: Bảo vệ trẻ bằng cách nào?

Thứ Sáu, 05/04/2019, 14:35 [GMT+7]

 Việc thiếu kỹ năng, hoảng sợ khiến đa phần trẻ rơi vào tình huống bị xâm hại chỉ biết chịu đựng thay vì chống cự, tìm cách né tránh hay thoát thân
 
Ngay sau khi clip ghi lại hình ảnh người đàn ông sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư tại TPHCM bị tung lên mạng, cộng đồng đã vô cùng bức xúc. Trước đó, nhiều trường hợp xâm hại, quấy rối trẻ em và phụ nữ cũng đã bị phát hiện, lên án. Điều mà nhiều bậc cha mẹ lo lắng bây giờ là làm sao để con trẻ không bị xâm hại, lạm dụng tình dục khi ở nơi công cộng.
 

1


Không dám xem hết clip ghi lại hình ảnh người đàn ông sàm sỡ em bé trong thang máy đang lan truyền trên mạng vì quá phẫn nộ, chị Tống Như Ý, một người dân sống tại quận 3 cho biết, mấy ngày nay đi đâu chị cũng phải dán chặt mắt vào con mà vẫn lo sợ. Chị Ý rất hay chở con gái 6 tuổi đến chung cư của người quen chơi. Trong lúc mẹ gửi xe thì bé thường tự lên thang máy một mình.

Vì vậy, khi xem clip, chị Ý hốt hoảng nhận ra bấy lâu nay mình quá chủ quan: “Tôi cảm thấy rất bất an vì ở môi trường đã có bảo vệ, vào các chung cư, vào thang máy phải có thẻ như thế và có cả camera nữa mà còn xảy ra chuyện như vậy thì không biết ở những nơi khác con mình sẽ như thế nào. Tôi cảm thấy không an toàn cho các con”.

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh vì muốn tập tính chủ động, tự lập cho con mà thường xuyên để trẻ đi lại một mình nơi công cộng. Thậm chí, có phụ huynh còn cho trẻ tự đi học, đi siêu thị mua đồ hay tự chơi trong công viên. Thế nhưng, vì chưa được trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, nhận diện tình huống nguy hiểm, nhiều bé hồn nhiên đứng cạnh kẻ thủ ác mà không biết mình sắp trở thành “con mồi”.

Như sự cố vừa xảy ra, việc cháu bé đi một mình cùng người lạ trong thang máy đã dẫn đến những rủi ro mà nếu biết về 5 báo động cần tránh thì có lẽ bé gái đã có cách xử lý an toàn hơn.

Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, việc thiếu kỹ năng, hoảng sợ khiến đa phần trẻ rơi vào tình huống bị xâm hại chỉ biết chịu đựng thay vì chống cự quyết liệt, tìm cách né tránh hay thoát thân. Nhưng không thể trách trẻ mà phụ huynh, giáo viên ở trường học của trẻ mới là người cần rút kinh nghiệm.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy lý giải: “Kể cả bản thân người lớn chúng ta nếu lâm vào tình huống bất ngờ và nguy hiểm cũng khó có thể phản ứng ngay lập tức nên đừng mong một đứa trẻ có thể làm điều đó. Chúng ta không thể ở bên trẻ 24/24h, trẻ cũng không thể lường hết được ở đâu là nguy hiểm và ai là nguy hiểm cho nên người lớn chúng ta cũng như trẻ cần được học kỹ năng tự bảo vệ bản thân, cần được học những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cũng như cách nhận diện hành vi nguy hiểm có thể đến từ bất kỳ ai chung quanh. Phòng hơn chống”.
 
Cùng với việc nâng cao tính cảnh giác, nhiều ý kiến trong cộng đồng cho rằng đã đến lúc phải gia tăng hình phạt với hành vi xâm hại tình dục trẻ em để tăng tính răn đe, hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng.

Chị Nguyễn Thị Phước, một người dân sống ở quận Gò Vấp cho rằng nếu mức phạt không tương xứng thì mối nguy trong xã hội sẽ khó giảm và sẽ có thêm nhiều trẻ phải chịu tổn thương như cháu bé trong thang máy tại quận 4.
 
"Tốt nhất pháp luật phải có khung hình phạt thật nặng để khi ai đó mắc phải thì những người khác không dám phạm vào. Tác động gây ảnh hưởng đến con trẻ trong những việc như thế này không diễn ra liền một lúc mà ảnh hưởng rất dài về sau”, chị Phước nói.

Là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi trẻ em, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng cần áp dụng các hình phạt của Luật Trẻ em và Luật Hình sự trong các vụ việc như thế này để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho trẻ. Các vụ án xâm hại tình dục liên quan đến trẻ em cần được làm đến nơi đến chốn với mức án cao nhất thì mới mong xoa dịu nỗi đau của bên bị hại. Bức xúc trong cộng đồng sẽ ngày càng tăng nếu những kẻ thủ ác chịu mức phạt chưa tương xứng hoặc vụ án nào đó chẳng may đi vào quên lãng.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bức xúc: “Những hành vi như thế này là không thể chấp nhận được. Những hành vi này phải xử lý thật nặng, thật nghiêm. Trẻ em là bất khả xâm phạm vào thân thể, luật đã quy định rõ ràng như vậy thành ra chúng tôi đề nghị phải xử lý nặng. Qua những vụ việc vừa rồi khi xử lý không tới nơi tới chốn hoặc xử lý quá nhẹ, thậm chí có vụ án bị đình chỉ đã khiến nhiều em nhỏ tổn thương. Vì vậy chúng ta phải xử lý như thế nào để đem lại công bằng cho các em.”.

Thấu hiểu sự phẫn nộ của cộng đồng mạng những ngày gần đây, thế nhưng, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, bên cạnh việc lên án, tẩy chay, mỗi người lớn cần có cách thiết thực hơn để tạo ra môi trường sống an toàn cho trẻ. Gia đình, nhà trường cần quyết liệt, sáng tạo hơn trong việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại, nhận biết tình huống rủi ro và luôn theo dõi trẻ để kịp thời hỗ trợ trong tình huống khó khăn. Muốn con tự lập có nhiều cách nhưng điều quan trọng phải luôn bên cạnh, lắng nghe để giúp trẻ cảm thấy an tâm, tự tin hơn./.

 
 

Theo Mỹ Dung/VOV

.