Điện Biên: Dịch tả lợn Châu phi vẫn diễn biến phức tạp
Thời điểm hiện tại tỉnh Điện Biên đã tiêu hủy 726 con lợn mắc dịch tả Châu Phi. |
Dịch tả lợn Châu phi đang có diễn biến phức tạp
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tổng đàn gia súc ước đạt 611.069 con, trong đó: Đàn trâu 131.687 con, đàn bò 70.451 con; đàn lợn 408.958 con. Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 69 thôn, bản thuộc 5 địa phương bao gồm: Thành phố Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và Tủa Chùa.
Tổng số mắc bệnh, chết đã tiêu huỷ 726 con. Hiện dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, số thôn, bản, xã, phường phát dịch và số lợn mắc dịch, chết phải tiêu huỷ vẫn tiếp tục tăng.
Triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh
Dịch tả lợn Châu Phi rất nguy hiểm, gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao (có thể lên tới 100%) nhưng hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Nguồn: Internet |
Trước tình hình đó UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Công điện số 02/CĐ-UBND của UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất; yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc quán triệt, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền để theo dõi chỉ đạo.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa có dịch cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn và các địa phương khác để chủ động thực hiện các biện cấp bách. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi do lơ là, thiếu trách nhiệm, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và tùy theo mức độ để xem xét hình thức kỷ luật.
Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, do nguyên nhân khi lợn ốm, một số người dân không báo cho chính quyền địa phương và thú y xã kịp thời, mà tự mổ lợn ăn thịt và chia cho anh em, họ hàng làm phát tán lây lan dịch bệnh; đồng thời hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ và thả rông cũng dễ dẫn đến lây lan bệnh dịch nhanh.
Hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc-xin điều trị hữu hiệu, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất nhanh. Vì thế các cơ quan chức năng chuyên môn của tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; nếu có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho cơ quan chuyên môn để chủ động trong việc chẩn đoán.
Bên cạnh đó, phải tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đối với những con lợn bị bệnh; không được phép mua bán lợn bệnh, không sử dụng thực phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc và tuyệt đối không ăn tiết canh lợn./.