Bản kiểu mẫu - đòn bẩy thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Lai Châu
Tỉnh Lai Châu đang cùng người dân xây dựng những bản làng kiểu mẫu, là đòn bẩy kích thích xây dựng nông thôn mới.
Những ngôi nhà truyền thống, những con đường đá uốn lượn theo địa hình, hay những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc... Đây là những hình ảnh quen thuộc trong các bản làng ở tỉnh miền núi Lai Châu. Các bản làng ấy đang được người dân xây dựng thành điểm nhấn để tạo nên diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu, qua đó, góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt kết quả cao hơn.
Các bản làng nông thôn kiểu mẫu do chính người dân làm lên đang là điểm nhấn ngành du lịch tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. |
Bản vùng cao Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm vắt vẻo trên sườn núi. Đây là bản thuần dân tộc Mông sinh sống. Do nhiều khó khăn khách quan, nên nhiều năm qua, đời sống của bà con luôn ở mức thấp, nhiều hộ vẫn thiếu đói mỗi mùa giáp hạt. Từ chủ trương khai thác tiềm năng sẵn có của huyện, người dân đã thực hiện xây dựng bản nông thôn kiểu mẫu, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Theo đó, bà con trong bản đã họp bàn và thống nhất góp ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông nội bản; góp tiền mua hoa, cây cảnh về trồng để tạo cảnh quan; đồng thời, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn... Bản làng sạch đẹp đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, giúp bà con có thêm thu nhập để xóa đói, giảm nghèo.
Đồng bào các dân tộc địa phương thân thiện, mến khách là cảm nhận của hầu hết những người một lần đặt chân lên vùng đất Tam Đường. |
Có mặt tại bản, chị Vũ Thị Sọi, một du khách đến từ tỉnh Yên Bái hồ hởi cho biết: Chị cũng đi nhiều, biết nhiều, nhưng không ở đâu cảnh quan bản làng sạch đẹp, thân thiện với môi trường, mà con người lại thật thà, mến khách như ở đây. Chị tin tất cả những điều đó sẽ là ấn tượng khó quên với mỗi du khách. Khi trở về quê, chị sẽ giới thiệu với người thân và sẽ cố gắng quay trở lại khi gia đình đi du lịch.
Nhờ lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại, người dân bản Lao Chải 1 đã chủ động góp công, góp của để đầu tư chỉnh trang thêm cho bản làng đẹp hơn. Từ đó, nâng cao được đời sống và đẩy lùi được nhiều tập tục lạc hậu.
Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu |
.
Anh Cứ A Vàng, Trưởng bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường cho biết: “Trước đây việc bán lợn, gà với một số sản phẩm bà con làm ra thì rất là khó khăn. Đường đi cũng không có, cho nên là người vào đây mua cũng không dễ dàng. Từ lúc bản mình xây dựng được bản xanh, sạch, đẹp thì có rất nhiều khách vào đây. Bà con mình bán gà, lợn hay một số sản phẩm như thóc lúa rất là thuận lợi và đời sống của bà con tiến bộ lên rất nhiều”.
Tam Đường là huyện đầu tiên được tỉnh Lai Châu lựa chọn để triển khai xây dựng bản nông thôn kiểu mẫu, kết hợp với phát triển du lịch. Hiện nay, toàn huyện đã có 5/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để có kết quả này, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện; trước hết là thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó đi sâu vào phong trào xây dựng điện sáng nông thôn; rồi thực hiện các tiêu chí về môi trường cho đảm bảo xanh, sạch, đẹp... Hiện toàn huyện đã có gần 120 bản có điện sáng nông thôn đến tận ngõ bản, trục bản; hơn 40 bản đạt tiêu chí nông thôn xanh, sach, đẹp.
Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết: Những ngày đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã gặp không ít khó khăn, nhất là các tiêu chí cần sự nỗ lực của người dân như thu nhập, môi trường...
Dựa trên lợi thế, tiềm năng của từng bản, từng dân tộc, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc để triển khai.
Liên quan đến tiêu chí thu nhập thì huyện tập trung khai thác lợi thế cây, con của từng bản; tiêu chí môi trường thì huyện chỉ đạo xây dựng bản kiểu mẫu... Từ đó, người dân ở nhiều bản có được nếp sống văn minh, hiện đại, nói không với các phong tục tập quán không phù hợp.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc liên doanh, liên kết với và con, để phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp; tập trung hướng dẫn các xã, các điểm bản đến tham quan ở các bản hiện nay đang có hiệu quả. Nữa là huyện sẽ tập trung các nguồn lực hỗ trợ để phát triển, quy hoạch và hướng dẫn bà con để xây dựng các bản nó đẹp hơn, sạch hơn và tăng cường trồng các cây xanh. Cùng với đó là bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo điều kiện cho các cháu học sinh đi sang bên Sa Pa, học về các cái cách phục vụ, hướng dẫn du lịch để về tăng cường cho công tác phát triển du lịch tại địa phương”, ông Hà nói.
Bản nông thôn kiểu mẫu, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng đang là sự lựa chọn hiệu quả của nhiều bản có thế mạnh du lịch ở Lai Châu. Nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, nên đã tạo lên sự đồng thuận và ý thức tự vươn của đồng bào các dân tộc địa phương. Các bản làng nghèo ngày nào, nay đang từng bước thay đổi để phát triển kinh tế, tạo đà cho công tác giảm nghèo bền vững ở miền đất cực Tây của Tổ quốc./.
Theo Khắc Kiên/VOV