Tiếng chuông cảnh báo về an toàn sinh học chăn nuôi
Việc lây lan dịch tả lợn châu Phi như hồi chuông cảnh báo về an toàn sinh học trong chăn nuôi hiện nay; 0,1% tổng đàn lợn của của nước đã bị tiêu hủy và 19 tỉnh thành đã có dịch. Tuy nhiên, không hề có trường hợp trang trại chăn nuôi lớn nào phát sinh dịch này.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Virus Dịch tả lợn châu Phi tuyệt đối không lây sang người và khi được chế biến ở nhiệt độ trên 70 độ C, virus này chắc chắn bị tiêu diệt. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu phi đều đã bị tiêu huỷ.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn” diễn ra chiều 19/3, tại Hà Nội.
Nguy cơ từ chăn nuôi nông hộ
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Tính đến 19 giờ ngày 18/3, Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 294 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn… và gần đây nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các ban ngành chức năng đã phải tiêu huỷ 34.774 con lợn, chiếm khoảng 0,1% tổng đàn lợn của cả nước.
“Đến nay, toàn bộ dịch xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có bất kỳ trang trại nào quy mô trên 500 con lợn bị bệnh. Trang trại chăn nuôi lớn nuôi rất nhiều, muốn tiêu thụ bắt buộc phải qua kiểm dịch thú y. Đến thời điểm này, Cục Thú y chưa nhận được thông tin từ hệ thống thú y kiểm soát và các kênh khác về vấn đề các trang trại chăn nuôi lợn lớn có nhiễm Dịch tả lợn châu Phi. An toàn sinh học rất quan trọng, đang được các đơn vị chăn nuôi quy mô lớn thực hiện triệt để”, ông Long nói.
Hai ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, song chỉ trong vòng 1 tháng, dịch đã lây lan rộng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Về nguyên nhân dịch lây lan nhanh, ông Nguyễn Văn Long cho biết: Phổ biến nhất là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh và ở diện rộng.
Bên cạnh đó, virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
“Ngoài ra, qua các kết quả điều tra tại ổ dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, chúng tôi nhận thấy các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lý nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng”, ông Long nói.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, an toàn sinh học nghiêm ngặt trong khu chăn nuôi lợn là rất quan trọng. Về quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, bà con nông dân cần chọn giống là những con của cặp bố mẹ có năng suất cao, có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ.
“Về thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu. Nước uống cho đàn lợn phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, đàn lợn cần được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Hiện, bà con thực hiện tiêu độc khử trùng chưa đúng khuyến cáo, chưa đúng khoa học kỹ thuật. Để đạt được hiệu quả cao trong sát trùng bà con cần chú ý làm sạch chuồng trại trước khi tiêu độc khử trùng”, bà Hạnh nói.
Áp lực dịch bệnh chăn nuôi ngày càng gia tăng
PGS.TS Phan Thanh Tâm, Giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Công nghệ để làm ra thịt mát đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị rất hiện đại, bởi ngay sau khi con lợn được kiểm soát thú y, giết mổ thì thịt lợn phải được làm lạnh ngay lập tức.
“Doanh nghiệp phải đầu tư máy móc hiện đại mới đáp ứng được đòi hỏi này. Thịt mát sau khi trải qua giai đoạn làm lạnh đột ngột, rồi mềm hoá nên đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, chất lượng thịt thơm ngon. Mặc dù hiện chưa có ai khảo sát tỉ lệ tiêu thụ thịt mát trong siêu thị là bao nhiêu, nhưng thực tế thịt lợn tiêu thụ tại chợ truyền thống vẫn còn rất nhiều và như chúng ta thấy, hầu hết thịt lợn bán tại chợ cóc không được bảo quản. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định thịt gia súc, gia cầm qua giết mổ đều đã được kiểm soát qua lực lượng thú y. Trong các đợt dịch như thế này, ngành thú y cần tăng cường kiểm soát, kiểm dịch hơn nữa, có thể làm việc tới 200 – 300% công suất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, bà Tâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm: Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao. Cụ thể, cả nước có gần 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng tổng đàn lợn chỉ chiến hơn 40%.Các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng. Đây là 1 trong những lý do khiến chỉ trong hơn 1 tháng, tốc độ dịch tả lợn châu Phi lan ra 18 tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh: “Áp lực của ngành chăn nuôi trong những năm gần đây rất lớn. Trước đây là chất cấm, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, năm 2017-2018 là áp lực về thị trường, còn năm nay là áp lực dịch bệnh. Như vậy có thể thấy, càng ngày, ngành chăn nuôi của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung sẽ phải chịu áp lực rất lớn, bởi chăn nuôi có tính chất mở toàn cầu, có sự giao thương qua lại từ nhiều nước, đặc biệt áp lực của Việt Nam lại càng lớn hơn bởi chúng ta chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát còn nhiều. Khi có thị trường tốt thì ào ào nuôi, dù so với những năm trước, việc chăn nuôi tự phát đã giảm đáng kể”.
Việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khép kín là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường và dịch bệnh. Do đó phải tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở tất cả các ngành hàng như thịt lợn, gia cầm, thuỷ sản, sữa… Không ai giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, thị trường, an toàn thực phẩm tốt bằng doanh nghiệp.
Theo ông Dương: “Các doanh nghiệp với đặc thù riêng, họ thực hiện kiểm soát nội bộ theo chuỗi rất tốt. Họ trang bị cho nhau những kiến thức cụ thể, thay đổi kĩ năng, thói quen chăn nuôi theo một tiêu chuẩn chặt chẽ. Thực tế cho thấy, thông qua liên kết chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp, người chăn nuôi đơn lẻ mới có thể hiểu biết nhanh hơn, nâng cao trình độ sản xuất tốt hơn”.
Vấn đề này, các nước có nền chăn nuôi tiên tiến đã làm rất lâu rồi và rất hiệu quả. Do đó liên kết sẽ là câu trả lời hiệu quả nhất nhằm tái cơ cấu nhanh nhất ngành chăn nuôi để chúng ta hội nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Theo Chinhphu.vn