Thực hư bác sĩ BV Bạch Mai "khuyên" bệnh nhân lên chùa Ba Vàng chữa bệnh

Chủ Nhật, 24/03/2019, 07:26 [GMT+7]

Đại diện BV Bạch Mai cho biết, bệnh viện muốn liên lạc với bác sĩ Phong để yêu cầu bác sĩ giải trình sự việc nhưng vẫn chưa thể kết nối được.
 
Giữa "tâm bão" chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) “gọi vong báo oán” có dấu hiệu mê tín dị đoan và thu về nguồn tiền khổng lồ, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, công tác ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp tục làm “khuấy đảo dư luận” sau khi xuất hiện trong buổi pháp thoại do Trụ trì chùa Ba Vàng Đại đức Thích Trúc Thái Minh chủ trì tối 21/3.
 

1
Hình ảnh bác sĩ Phong tại buổi pháp thoại đặc biệt tối 21/3 ở chùa Ba Vàng. (Ảnh cắt từ video)


Phát biểu “khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào” của bác sĩ Phong, người đang công tác tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội, đã khiến dư luận tiếp tục xôn xao về hoạt động “thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng.

Tại buổi pháp thoại đặc biệt trước hàng trăm phật tử và được phát trực tiếp trên trang Facebook và website của chùa, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã cho mời một số nhân chứng là các phật tử đã “thỉnh giải nghiệp” để tăng khả năng tin tưởng, để chứng minh phương pháp “thỉnh oan gia trái chủ” tại chùa có hiệu quả trong việc chữa bách bệnh.

Một trong số những nhân chứng được trụ trì mời lên chia sẻ là bác sĩ Nguyễn Hồng Phong. Tại buổi pháp thoại, bác sĩ Phong nói: “Tôi chưa thỉnh oan gia trái chủ nhưng là người chứng kiến. Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường.

Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, biết quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ, biết xin lỗi những điều mà làm chưa tốt. Và có điều thần kỳ xảy ra, sau 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn”.

Trước sự việc này, chiều nay (23/3), trả lời phóng viên VOV.VN, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi sự việc được báo chí đưa tin, để muốn tìm hiểu rõ bản chất vấn đề, bệnh viện cũng đã liên tục gọi điện cho bác sĩ Phong nhưng đều không liên lạc được.

Được biết, bác sĩ Phong đang tạm nghỉ công tác chuyên môn ở Bệnh viện Bạch Mai và theo học chương trình sau Đại học hệ tập trung tại trường Đại học Y Hà Nội được hơn một năm.

“Qua xem lại clip, tôi cho rằng, đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân. Bác sĩ Phong phát ngôn ngoài khuôn viên bệnh viện. Nhưng nếu phát biểu của bác sĩ Phong vi phạm về truyền bá mê tín dị đoan khi có kết luận sai phạm của cơ quan chức năng thì bác sĩ Phong phải hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cũng chia sẻ, Bệnh viện cũng muốn liên lạc với bác sĩ Phong để bác sĩ có giải trình cụ thể về sự việc này.

Sau khi sự việc được báo chí đưa tin, chiều 22/3, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, mình chính là người xuất hiện trong buổi pháp thoại ở chùa Ba Vàng, nhưng bản thân ông luôn khuyên những bệnh nhân của mình tin vào y học và phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của các bác sĩ đưa ra.

“Nhiều người nói tôi khuyên người dân lên chùa Ba Vàng chữa bệnh là không chính xác. Bởi là một người bác sĩ, tôi luôn khuyên bệnh nhân của mình khi không may mang bệnh cần phải lạc quan hơn, để qua đó hướng tới cái đẹp và có được tâm lý tốt hơn.

Tôi có mặt ở chùa Ba Vàng chỉ để nói lên sự chân chính của đạo Phật, còn với tôi, nguyên tắc khi điều trị là phải tuân thủ đúng phác đồ kèm theo yếu tố tâm lý tốt”, bác sĩ Phong cho biết.

Về chia sẻ gây tranh cãi ở chùa Ba Vàng khi có những bệnh nhân mặc dù đã được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ nhưng không ra bệnh. Sau khi được bác sĩ khuyên lên chùa Ba Vàng “xem thế nào” thì không ngờ sau đó bệnh nhân khỏi bệnh, bác sĩ Phong cho biết: “Tôi chỉ nói bệnh nhân hãy thử đi đã. Còn với tôi được đào tạo theo Tây học, việc điều trị tất nhiên phải theo phác đồ. Nhưng nếu bệnh nhân có tâm an yên và có lòng tin việc điều trị sẽ hiệu quả hơn”.

Nói về thỉnh pháp này, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, về mặt y học, việc điều trị như này là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Còn PGS. TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K tỏ ra bức xúc. Ông Quảng đồng ý là "có bệnh phải vái tứ phương" nhưng tất cả phải dựa trên dẫn chứng, căn cứ khoa học chứ không phải cứ tuyên truyền cúng bái là khỏi bệnh, trong đó có ung thư.

“Trong nhiều năm làm nghề tôi gặp không ít trường hợp đang điều trị ung thư tại viện có kết quả, thì đột nhiên bỏ dở về cúng bái, chữa bệnh ở nhà tới khi nặng mới quay lại viện kêu cứu thì đã quá muộn”, bác sĩ Quảng nói.

Cũng theo bác sĩ Quảng, việc chữa trị ung thư hiện nay tại bệnh viện nếu bệnh nhân được phát hiện sớm bệnh, tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ, chỉ định điều trị của bác sĩ thì kết quả sẽ rất khả quan.

“Người bệnh điều trị ung thư phải tuân thủ đúng theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích thì mới có hiệu quả”, bác sĩ Quảng nhấn mạnh./.

 

 

Theo Thy Hạt, Hoàng Lê/VOV

.