Triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn
Điện Biên TV - Tính đến ngày 28/2, Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam. Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên cả lợn rừng (tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng, Hà Nam). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là gần 2.350 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn trên 172,5 tấn) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng. Đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chưa có vắc xin điều trị, do đó nguy cơ dịch bệnh lây lan và xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian tới là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn, hạn chế tối đa nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, đồng thời sẵn sàng các phương án để đập tắt các ổ dịch khi xuất hiện trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để ngăn chặn, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Các hộ chăn nuôi phải chủ động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi |
Trọng tâm là triển khai các giải pháp cấp bách ngăn chặn bệnh Dịch tả Châu Phi vào địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Đồng thời, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đàn lợn, khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguvên nhân hoặc lợn mắc bệnh có dấu hiệu của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải báo cáo kịp thời cơ quan thú y kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh nhằm phát hiện bệnh sớm, xử lý kịp thời khi bệnh vừa phát sinh. Tuyệt đối không được bán chạy lợn mắc bệnh, vứt xác lợn chết bừa bãi làm lây lan dịch bệnh. Xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch bệnh mà không được phát hiện, xử lý kịp thời và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổ chức mua vắc xin, vật tư, dụng cụ, trang thiết bị, bố trí lực lượng triển khai tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đúng thời vụ, đạt hiệu quả theo Kế hoạch của UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn.
Củng cố hệ thống thú y cơ sở để đảm bảo các yêu cầu tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo Luật Thú y; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, nhân lực cho các tình huống phòng dịch và chống dịch khi có dịch xảy ra theo Kế hoạch ứng phó khấn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã chuẩn bị sẵn phương án dự phòng vôi bột và địa điểm tiêu hủy lợn, các sản phẩm của lợn nếu xuất hiện ổ dịch trên địa bàn; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch khi có dịch xảy ra theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.
Chỉ đạo lực lượng Thú y, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng (đối với khu vực giáp biên giới) và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các điểm giao thông quan trọng vào địa bàn tỉnh, tại cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới để kiếm soát lợn, sản phẩm từ lợn nhập vào địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra các điểm, cơ sở giết mổ, tập kết, trung chuyển lợn trên địa bàn; cơ sở kinh doanh, buôn bán lợn, sản phẩm của lợn nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin kịp thời, chính xác đến cộng đồng và người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Sẵn sàng các phương án khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện
Nếu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La, tỉnh Lai Châu trước khi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì UBND huyện Tuần Giáo và UBND Thị xã Mường Lay thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời (liên ngành) để kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí kinh phí xử lý khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, công bố dịch bệnh theo quy định tại Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Khi xuất hiện ổ dịch có nghi ngờ Dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan chuyên môn ngay lập tức lấy mẫu để xét nghiệm xác định chính xác bệnh, nếu đúng Dịch tả lợn Châu Phi thì áp dụng ngay việc tiêu hủy trong vòng 24 giờ và tiến hành ngay việc tiêu độc khử trùng chuồng trại nơi có dịch, kèm theo các biện pháp kiểm soát dịch. Việc này giao cho chính quyền cấp xã và cấp thôn bản là quan trọng nhất, bởi vì thực tế việc các ổn dịch xuất hiện đầu tiên bao giờ cũng là từ các hộ chăn nuôi ở thôn bản và xã.
Kinh nghiệm tại một số địa phương có dịch như: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam; việc kiểm soát, phát hiện và tổ chức tiêu hủy ngay đàn lợn mắc bệnh đầu tiên là rất quan trọng. Nếu chúng ta làm tốt sẽ ngăn ngừa dịch lây lan ra diện rộng./.
Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN