Vì sao Hà Nội trở thành địa điểm lý tưởng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Thứ Sáu, 15/02/2019, 08:16 [GMT+7]

Đại tá Lê Thế Mẫu đã đưa ra 5 lý do thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Hà Nội của Việt Nam làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
 
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng), chuyên gia phân tích chính trị-quân sự đã có những chia sẻ với VTV News trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Thưa ông, vìsao Mỹ và Triều Tiên lại đạt được sự thống nhất chọn Việt Nam, và cụ thể là Thủ đô Hà Nội, làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2, sau cuộc gặp lần 1 ở Singapore?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Có nhiều lý do thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Hà Nội của Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh Kim Jong-un, trong đó có thể kể ra đây những lý do cơ bản sau:

Một là, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ hữu nghị thân thiện và tin cậy cả với Mỹ và Triều Tiên - hai quốc gia từng có quan điểm thù địch mà mới gần đây thôi còn đe dọa chĩa tên lửa hạt nhân nhắm vào nhau. Vì thế, Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có thể đóng vai trò hòa giải tin cậy vì hòa bình và hợp tác trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng.
 

1
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng)


Hai là, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đảm bảo mọi mặt, trước hết là vấn đề bảo đảm an ninh và hậu cần, cho một cuộc gặp quan trọng, có ý nghĩa quốc tế rất lớn, như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Khả năng này của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ ràng và sinh động trong các lần đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế. Trong đó, tiêu biểu là Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức rất thành công 2 lần Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006 tại Hà Nội và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng có sự tham dự của nguyên thủ các cường quốc thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in... hay là Diễn đàn kinh tế thế giới-ASEAN năm 2018.

Ba là, một trong những mục tiêu hướng tới của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là hòa giải và cải thiện quan hệ Liên Triều. Trong khi đó, Việt Nam cũng là quốc gia có quan hệ rất tốt đẹp với cả Hàn Quốc và Triều Tiên và hai quốc gia này đều rất tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Việt Nam.

Bốn là, Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức đã có chuyến thăm Việt Nam tới Hà Nội và gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Còn Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng rất muốn nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thăm chính thức Việt Nam để được chứng kiến các thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới mà Triều Tiên đang muốn tham khảo và học tập. Do đó, Hà Nội là địa điểm lý tưởng để Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được các mục tiêu đó.
 

1


Năm là, đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Việt Nam không chỉ là mô hình đổi mới thành công dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, tương tự như vai trò của Đảng Lao động ở Triều Tiên, mà còn là quốc gia rất thành công trong việc biến quan hệ với cựu thù địch trong Chiến tranh lạnh là Mỹ thành quan hệ đối tác toàn diện vì sự hợp tác cùng phát triển. Do đó, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên trong việc chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ, mở cửa và hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Gần đây, Mỹ đã chính thức công nhận thể chế chính trị của Việt Nam và đánh giá cao vị trí của Việt Nam ở châu Á.

Báo chí nước ngoài đã đưa tin về 12 vấn đề chính sẽ được bàn tới trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này. Vậy theo dự đoán của ông, tính chất cuộc gặp này sẽ ra sao và hai bên có thể sẽ bàn những vấn đề gì tại Hà Nội?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Để tiến tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, ở cấp độ chuyên gia cấp cao, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc hội đàm và thảo luận về 12 vần đề nhằm hiện thực hóa các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1 ở Singapore trong tháng 6/2018, theo đó hai bên cũng nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo an ninh của Washington cho Bình Nhưỡng. Vướng mắc lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên là hai bên chưa thống nhất được lộ trình phi hạt nhân hóa. Trong khi Triều Tiên đề nghị phi hạt nhân hóa từng bước và nhận được các biện pháp dỡ bỏ cấm vận của Mỹ, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa toàn diện và được kiểm chứng, sau đó mới nhận được sự dỡ bỏ cấm vận.

Do đó, rất có thể trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này tại Hà Nội, vấn đề quan trọng nhất là hai bên sẽ thống nhất lộ trình phi hạt nhân hóa. Cụ thể là, Mỹ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ kế hoạch chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và phá hủy cơ sở tên lửa và hạt nhân đã được công bố. Đây là bước đi đầu tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa và Mỹ sẽ nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên trong việc cung cấp năng lượng cho Triều Tiên trong khuôn khổ hạn chế, nới lỏng lĩnh vực tài chính và tạo điều kiện cho quá trình hợp tác kinh tế Liên Triều. Nếu đạt được kết quả đó cũng đã là thành công có tính đột phá.
 


Do đó, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội chỉ là để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định những thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán vừa qua giữa giới chuyên gia cấp cao của hai bên. Vì thế, cuộc gặp có thể chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp giữa lãnh đạo cấp cao của hai bên và sẽ ra Tuyên bố chung.

Với tính chất như thế, theo quan điểm của ông, những địa điểm nào tại Hà Nội hội tụ đủ tiêu chuẩn và điều kiện để tổ chức cuộc gặp được cả thế giới chờ đợi này?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Ở Hà Nội có một số địa điểm hội tụ đủ tiêu chuẩn và điều kiện để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trước hết phải kể tới các "ứng cử viên sáng giá" là Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Mỹ Đình và Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Lê Hồng Phong. Còn nếu theo "thể thức khách sạn" như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 ở Singapore, thì "ứng cử viên sáng giá" có thể là khách sạn JW Marriott - nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nghỉ chân trong chuyến thăm Việt Nam và khách sạn Daewoo của Hàn Quốc.

Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, có tầm cũng như ý nghĩa lớn. Với kinh nghiệm như thế, việc đảm bảo an ninh cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được tổ chức với quy mô như thế nào, thưa ông?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Cũng như đối với các sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức ở Việt Nam, chúng ta sẽ triển khai chiến dịch bảo đảm an ninh trên quy mô quốc gia có sự hợp tác trên quy mô quốc tế với các cơ quan an ninh của các quốc gia hữu nghị để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Chúng ta tin chắc rằng chiến dịch bảo đảm an ninh cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này sẽ thành công tốt đẹp, để lại thêm một dấu ấn không thể nào quên về một đất nước Việt Nam ổn định về chính trị, an toàn và an ninh được bảo đảm.
 


Với Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm như thế nào trong các sự kiện lớn đã được tổ chức về mặt an ninh, và theo ông, liệu chúng ta có thể sẽ được tin tưởng lựa chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện lớn trong tương lai hay không?

Đại tá Lê Thế Mẫu: Về kinh nghiệm mà Việt Nam đã thu được trong việc bảo đảm an ninh cho các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức ở nước ta, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lĩnh vực quốc phòng-an ninh; hệ thống chính trị của Việt Nam ổn định, vững chắc; nền quốc phòng-an ninh toàn dân và toàn diện; sự trung thành tuyệt đối và trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất cao của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh; trình độ tổ chức và phối hợp hành động rất chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo-chỉ huy an ninh nhân dân; sự hợp tác tin cậy với các cơ quan an ninh của các quốc gia hữu nghị. Có thể tin tưởng rằng, trong tương lai Việt Nam sẽ là điểm đến của các sự kiện lớn của khu vực và thế giới.

 

 

Theo VTV

.