Tuyên truyền giảm đốt vàng mã dịp lễ tết: Liệu có giảm?
Nhiều năm qua, tình trạng đốt vàng mã đã gây lãng phí tiền của, gây ra nhiều hệ lụy không đáng có về an toàn cháy nổ, ô nhiễm môi trường.
Chỉ cần dạo một vòng qua phố Hàng Mã, Hà Nội sẽ thấy đủ loại đồ mã như lễ vật cho người sống…Với quan niệm “trần sao âm vậy”, những gia đình có điều kiện thì mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi cho đến quần áo, điện thoại, tivi… Nhà ít điều kiện hơn thì sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để đốt cho thần linh, tổ tiên ông bà với lòng tin người âm sẽ nhận được. Tục đốt vàng mã những năm gần đây có xu hướng phát triển với nhiều biến tướng mê tín, dị đoan, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cộng đồng.
Điều đáng nói là dù có điều kiện hay không, nhiều người vẫn không ngần ngại vung tiền sắm vàng mã. Anh Nguyễn Văn Phong, ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, 2 vợ chồng kinh doanh, buôn bán nên vào các dịp Tết, lễ đầu năm, nhất định phải đi lễ và mua, đốt vàng mã khá nhiều. Để chuẩn bị chu đáo cho Tết, vợ chồng anh đã chi khoảng 2 triệu đồng cho việc mua sắm vàng mã.
Anh Phong cho rằng, đốt mã là thể hiện lòng thành kính đối với người âm. “Tập tục từ ngày xưa thì vẫn thế, vẫn mua nhiều vàng mã. Nhà tôi cũng vẫn mua, sắm nhiều vàng mã, đầy đủ cho người quá cố. Vẫn biết là lãng phí nhưng theo tôi thì không bỏ được và vẫn phải mua đầy đủ để đốt cho ông bà tổ tiên. Muốn hạn chế hay bỏ tập tục này thì khó lắm”.
Đốt vàng mã không những gây lãng phí mà còn gây nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường. (Ảnh: KT) |
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật dùng mua vàng mã để đốt lên tới trên 400 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, Tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 30.000-50.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có gia đình tiêu tốn vài triệu đồng mua vàng mã.
Năm qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định, việc đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần phật giáo.
Đại đức Thích Minh Tường, Trụ trì chùa Kim Quy, Đông Anh, Hà Nội cho biết, tục lệ đốt vàng mã không nằm trong giáo lý của Phật giáo mà chỉ là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, ảnh hưởng từ văn hóa của người Trung Quốc. Trong kinh Phật cũng không nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người âm. Đốt vàng mã là sự lãng phí lớn. Tuy nhiên, để người dân không đốt vàng mã là vấn đề chưa thể thực hiện trong một sớm, một chiều vì tập tục này đã trở thành thói quen, văn hóa tâm linh của người Việt. Do đó, trong các buổi giảng đạo phật cho các phật tử, nhà chùa thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu và đến nay, người dân khu vực gần nhà chùa đã không còn mang vàng mã lên chùa đốt và hạn chế đốt vàng mã tại nhà.
“Đã là tín ngưỡng của người dân thì nhà chùa tôn trọng nhưng trên quan điểm của người học phật thì việc đốt vàng mã không có tác dụng gì mà chỉ tốn kém về tài chính và ảnh hưởng đến môi trường. Để trọn vẹn phần phúc mà mọi người tạo dựng, thay vì mình bỏ tiền ra mua vàng mã về đốt thì có thể dùng tiền đó để phóng sinh, trợ giúp người khó khăn, đó mới là phần phúc thiết thực nhất”, Đại đức Thích Minh Tường cho hay
Với sự vào cuộc, tuyên truyền đồng bộ tại các nhà chùa, nhiều người dân đã nhận thức được đốt vàng mã không có lợi ích cho người âm. Thay vì mua vàng mã đốt, họ đã làm nhiều việc có ích hơn. Đến thời điểm hiện tại, hiện tượng đốt vàng mã tại các đền chùa, lễ hội đã giảm mạnh: “Thay đổi nhận thức là cái khó bởi nó có từ hàng nghìn năm nay, là truyền thống rồi. Tôi nghĩ việc này cũng phải dần dần. Đối với nhiều người, lòng tin rất quan trọng nên phải làm thế nào để thay đổi lòng tin. Cái chính là người dân phải nhận thức được. Họ phải thấy rằng, khi lên chùa, thay vì mua vàng mã đốt thì họ đặt “giọt dầu”tiền lễ. Họ phải thấy được đồng tiền của họ được sử dụng một cách chính đáng, mọi thứ đều được công khai và minh bạch và nhận thức được rằng, những sự đóng góp dù nhỏ của họ sẽ giúp làm được những việc lớn hơn”.
Trên thực tế, việc hạn chế đốt vàng mã mới chỉ giảm ở một số nơi, nhiều nơi khác lại có xu hướng tăng lên. Đốt vàng mã là tập tục lâu đời, song người dân cũng nên dần thay đổi, giảm dần đốt vàng mã.
Để hạn chế tập tục này, tiến tới loại bỏ trong đời sống người dân, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về những việc nên, không nên, ý nghĩa của việc làm này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, nắm chắc số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mã để có biện pháp quản lý, hỗ trợ kịp thời đối với những hộ có nhu cầu chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà chùa, nơi thờ cúng cũng cần có khuyến cáo đối với người dân không nên mang theo vàng mã khi đi lễ. Có như vậy, hy vọng về việc thay đổi thói quen đốt vàng mã của người dân vốn có từ lâu đời mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn./.
Theo Kim Thanh/VOV