Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông từ xe đạp điện

Thứ Hai, 18/02/2019, 18:37 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xe đạp điện, xe máy điện đang là loại phương tiện được người dân sử dụng khá phổ biến, nhất là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Bên cạnh những tiện ích như gọn nhẹ, kiểu dáng đẹp, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường thì xe đạp điện, xe máy điện cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông.

1
Buổi tuyên truyền về ATGT cũng như cách sử dụng và điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cho học sinh luôn được lực lượng Cảnh sát Giao thông – Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị trường học thực hiện.


 Tại các buổi tuyên truyền, giáo viên và học sinh đã được thông tin về tình hình trật tự ATGT trên cả nước và của tỉnh; phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông; các quy tắc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, nhất là các quy định đối với người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện.

Với cách truyền đạt thực tế, dễ hiểu, đã chuyển tải tới các em học sinh những đặc điểm, ý nghĩa, hiệu lực của hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ, hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông; cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn; đội mũ bảo hiểm đúng cách; kỹ năng ngồi sau xe an toàn. Lực lượng CSGT còn phổ biến các quy định về việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đối với HS.

Cụ thể như độ tuổi được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện; khi điều khiến xe đạp điện, xe máy điện chỉ được đi vận tốc tối đa là 40km/h, phải đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn và cài quai đúng cách, hướng dẫn các em kỹ năng lái xe an toàn, cách xử lý các tình huống gặp phải khi tham gia giao thông.

Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, Phòng CSGT Công an tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp với các cơ quan chức năng, gia đình, học sinh, sinh viên, nhà trường để tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nắm được nội dung về pháp luật an toàn giao thông, đặc biệt là học sinh dùng xe đạp điện, xe máy điện phải đăng ký, khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm và chấp hành pháp luật giao thông. Phối hợp với nhà trường ký cam kết không vi phạm pháp luật về ATGT khi tham gia giao thông.

1
Vào giờ tan học không khó để bắt gặp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm


Mặc dù đã được tuyên truyền như vậy song trên thực tế, vào giờ tan học không khó để bắt gặp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, đi sai phần đường, làn đường; nhiều học sinh chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm dàn thành hàng ngang trên đường, vừa đi vừa nói chuyện, trêu đùa nhau, gây cản trở và mất an toàn giao thông. Thậm chí, nhiều chiếc xe đạp điện chở 3 phóng với tốc độ 30-40km/h lấn sang cả phần đường dành cho xe máy, ô tô; nhiều em vừa đi vừa nhắn tin điện thoại, hoặc vừa cầm ô che nắng.v.v…

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phường Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Một số các cháu không chấp hành về luật ATGT đường bộ, các cháu đi hàng ba, hàng bốn, đi với tốc độ cao khi qua ngã ba, ngã tư này cứ lao vèo vèo; rất nhiều trường hợp các cháu đã đâm vào nhau. Chung tôi mong là cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với nhà trường nhắc nhở, bảo ban các cháu khi tham gia giao thông không đi hàng ba, hàng bốn mà phải đi đúng quy định theo luật giao thông đường bộ.

1
Trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện xe đạp điện và xe máy điện

 
Xe đạp điện, xe máy điện có thể đạt tốc độ từ 30 - 40 km/giờ, tương đương với tốc độ trung bình của mô tô, xe máy khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hệ thống an toàn của xe đạp điện, xe máy điện không cao do sử dụng cơ cấu phanh truyền thống, không đảm bảo an toàn khi gặp sự cố. Thực tế cho thấy, các em học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện dàn hàng 3 hàng 4, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, đánh võng vào giờ tan học trên nhiều tuyến đường. Không chỉ riêng các em học sinh mà ngay cả phụ huynh học sinh, người lớn tuổi khi đi xe đạp điện, xe máy điện lại đội mũ lưỡi trai, thậm chí cầm ô, gây mất an toàn giao thông.

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện này. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông một phần do các em học sinh chưa tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

Nhiều người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện vẫn chủ quan do coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường và đi với tốc độ cao từ 35 - 40km/h. Nhiều học sinh đi quá nhanh, dẫn đến không kịp xử lý các tình huống phức tạp xảy ra. Bên cạnh đó, xe đạp điện và xe máy điện sử dụng điện là nhiên liệu nên phương tiện không có tiếng động cơ, khiến người tham gia giao thông khác khó để ý, nhất vào ban đêm.

Để ngăn ngừa kiềm chế tai nạn giao thông từ xe đạp, xe máy điện, hạn chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh, sinh viên, thời gian qua Sở GD&ĐT, Công an tỉnh đã phối hợp tuyên truyền pháp luật ATGT đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Sở GD&ĐT yêu cầu phòng giáo dục các huyện, thành, thị, các trường học triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT. Yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về ATGT như: Luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; các bậc phụ huynh cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành để làm gương cho con em mình.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định: Đối tượng được sử dụng xe máy điện tham gia giao thông phải đủ từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn nhiều học sinh THCS chưa đủ 16 tuổi tham gia giao thông bằng xe máy điện; đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến.

1
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông,

 

Ông Phí Văn Sốp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức các buổi tuyền truyền đến các em học sinh, thông qua các buổi sinh hoạt lớp, trong giờ chào cờ và một số chuyên đề ngoại khoá khác nhằm nâng cao nhận thức của học sinh trong việc chấp hành luật ATGT. Khi học sinh đăng ký gửi xe thì nhà trường đã ghi rõ thông tin về xe của học sinh, kiểm soát chặt chẽ việc đi và về của học sinh, liên hệ với phụ huynh học sinh để quản lý giáo dục học sinh về việc chấp hành luật ATGT. Có biện pháp xử lý khi học sinh vi phạm pháp luật giao thông khi tham gia giao thông.

Hiện việc quản lý xe đạp điện, xe máy điện còn chưa thống nhất nên chưa có số liệu đánh giá cụ thể về chất lượng của loại xe này, dẫn đến hiện tượng ngoài một số dòng xe chính hãng chất lượng tốt, thì còn không ít các loại xe rẻ tiền không có đầy đủ các bộ phận như đèn, còi, xi nhan.v.v… vẫn được bày bán tràn lan.

Khó khăn nhất trong quá trình xử lý vi phạm của cơ quan chức năng là: Đối tượng điều khiển xe đạp điện thường là học sinh phổ thông nên nhận thức còn hạn chế, không có tiền nộp phạt. Do vậy, về lâu dài để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông từ xe đạp điện, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đối tượng không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, bố trí các tổ CSGT tuần tra, kiểm soát trên các tuyến phố, cổng trường học, nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ xử lý các trường hợp điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách mà chưa có hình thức xử lý đối với người điều khiển xe đạp điện. Để hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông từ việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông, nhất là với các em học sinh, để giảm thiểu nguyên nhân gây tai nạn giao thông./.
 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.