Nậm Pồ nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Chủ Nhật, 24/02/2019, 14:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khi bắt đầu triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo cho các phòng, ban chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn. Nhằm từng bước thay đổi căn bản về nhận thức, thói quen và tập quán của cộng đồng về bảo vệ môi trường.
 
Nhận thấy các mô hình thực hiện tiêu chí môi trường của xã Chà Nưa đã và đang đạt được những kết quả tích cực, UBND huyện Nậm Pồ đã khuyến khích các xã trên địa bàn huyện học tập, vận dụng làm theo. Trước đây do thói quen sinh hoạt và do chưa có điều kiện, nên phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã Chà Nưa chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đến này, đầu năm 2017, xã Chà Nưa tập trung tuyên truyền vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời xã vận động, kêu gọi các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn ủng hộ xi măng, gạch và thiết bị nhà vệ sinh để hỗ trợ người dân dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với mức hỗ trợ là 1triệu đồng/hộ.

1
Xã Chà Nưa huyện Nậm Pồ đã xây dựng được trên 100 lò đốt rác, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác đúng nơi quy định

 

Cùng với đó, xã Chà Nưa đã nhân rộng thành công phong trào xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được trên 100 lò đốt rác, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác đúng nơi quy định. Góp phần xử lý khoảng 85% lượng rác thải sinh hoạt.

Ông Thùng Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ cho biết: Xét thấy là mỗi hộ gia đình ở các bản đều cách xa nhau không thuận tiện cho việc gom rác thải, do vậy xã Chà Nưa đã chọn mô hình làm lò đốt rác, gọi là lò đốt rác theo nhóm hộ. Xét thấy hiệu quả của mô hình này, xã Chà Nưa đã làm thí điểm và bây giờ đã lan toả ra các hộ gia đình. Tuỳ theo điều kiện từng bản, có thể từ 5-7 hộ, hoặc 5-10 hộ chung nhau, tuỳ theo nhóm dân cứ đấy để làm lò đốt rác này. Lò đốt rác này không tốn nhiều tiền lắm, nếu từ 3-5 hộ thì chi phí khoảng 400-700 nghìn mà nhiều nhất thì cũng không quá 1,5 triệu/lò.

Trên thực tế không phải xã nào cũng có thể thực hiện được tiêu chí môi trường như xã Chà Nưa, mà hầu hết các xã khác trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn về thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. Theo tìm hiểu, hiện nay việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu do người dân tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp kết hợp với đốt thủ công. Chất thải phát sinh trong quá trình sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom một cách triệt để. Điều này không những gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, đồng thời làm mất mỹ quan đường làng ngõ xóm.

Đối với việc quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM thì, nghĩa trang phải quy hoạch về điểm tập trung, đảm bảo các phân khu chức năng, phân lô, khoảng cách, kích thước.v.v… Trước đây, do các xã đều chưa chú trọng đến việc này nên người dân thường tự chôn cất người chết theo từng khu vực. Vì vậy vẫn tồn tại nhiều nghĩa trang do nhân dân tự lập nên, thiếu hợp lý, nằm rải rác ở các bản. Phần lớn dân số trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, khiến việc thay đổi tư duy nhận thức của bà con trong việc quy hoạch nghĩa trang nói riêng và vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, không thể diễn ra trong một sớm, một chiều.

Ngoài những nguyên nhân khách quan gây khó khăn trong việc triển khai tiêu chí môi trường kể trên, còn phải kể đến ý thức của người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới chưa cao. Việc vứt rác thải bừa bãi trong ao hồ, sông suối, dọc hai bên đường, xung quanh nhà còn khá phổ biến.

1
Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường ngay tại gia đình mình sinh sống

 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của các cấp chưa thực sự đủ và đạt chất lượng để Nhân dân hiểu được vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ một phần nên chưa tạo được động lực trong toàn dân đồng thuận chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, sự phối hợp giữa cấp huyện và xã còn có những khâu chưa đồng bộ, chồng chéo, thậm chí còn chưa thống nhất.

Thêm vào đó, huyện Nậm Pồ là một huyện miền núi, chất lượng cuộc sống của người dân còn ở mức thấp nên khó khăn trong việc thu phí vệ sinh môi trường, trong việc huy động nguồn kinh phí từ người dân để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình rãnh thoát nước thải, nghĩa trang nhân dân, giao thông nông thôn... phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Điêu Bình Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Từ những khó khăn đó thì Huyện cũng xác định quan taam đến chương trình xây dựng, vận động người dân làm công trình phụ khép kín qua hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Chương trình ủng hộ một phần nào đó về vật liệu si măng, cát, sỏi, người dẫn sẽ đứng ra làm vầy xây dựng. Ngoài ra cũng hướng dẫn người dân chăn nuôi có chuồng trại để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng tháng chỉ đạo UBND các xã vận động người dân trong bản vệ sinh làng bản, quan tâm đến xây dựng các khu chứa rác thải trên địa bàn từng bản.

Từ thực tế khó khăn hiện nay của huyện Nậm Pồ trong thực hiện tiêu chí về môi trường, để giải được bài toán này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tập trung hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương, nhất là tập trung vào việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng. Có như vậy mới tạo được tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng sớm về đích./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.