Chính sách dân tộc - Động lực giúp đồng bào phát triển

Chủ Nhật, 03/02/2019, 08:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện, các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Chính phủ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa xuân đến với mọi người mọi nhà mang theo niềm tin và khát vọng vào cuộc sống mới cùng nhau xây dựng bản mường quê hương phát triển.

Trong niềm vui lớn của cả nước, mừng Đảng ta tròn 89 mùa xuân, đồng bào các dân tộc thiểu số Điện Biên đang đón mùa xuân về trong niềm hạnh phúc và tự hào về Đảng, về đất nước, về quê hương. Mùa xuân này, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi rõ rệt, đang chan chứa nhiều niềm tin và hy vọng cho một tương lai phát triển bền vững.

Những cánh rừng cao su, cà phê xanh ngát, những cánh đồng ngô, lúa trổ bông nặng trĩu cho mùa bội thu; nhiều công trình mới mọc lên; nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, có điện thắp sáng, có ti vi để theo dõi thời sự, tình trạng đói giáp hạt như trước đây không còn nữa. Đại bộ phận đồng bào khắc phục khó khăn  chủ động vươn lên trong cuộc sống.

1
 Hội Chữ thập đỏ Điện Biên trao bò giống cho hộ nghèo ở bản Na Hươm, xã Na Tông, huyện Điện Biên

 

Có được những thành quả như ngày hôm nay là sự chung sức của cả hệ thống chính trị cùng chung tay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết; đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực cho công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đáng chú ý là Chương trình 135 được đầu tư và thực hiện qua 3 giai đoạn, toàn tỉnh được đầu tư, hỗ trợ tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Các địa phương đã xây dựng hơn 1.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu là các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, trường lớp học và phụ trợ, nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng các trung tâm cụm xã; duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng; hỗ trợ học sinh đi học; hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường cho hơn 100 xã đặc biệt khó khăn, biên giới và 50 thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Chương trình Phát triển KT - XH vùng cao, đã được đầu tư gần 74 tỷ đồng cho 866 công trình ở 252 bản. Thực hiện Chương trình Định canh định cư tỉnh được đầu tư gần 154.000 tỷ đồng để quy hoạch và xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, xây dựng các điểm định canh định cư tập trung hoặc xen ghép, ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, các địa phương đã hỗ trợ gần 160ha đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho gần 15.000 hộ dân, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 16.700 hộ và xây dựng 266 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí thực hiện là gần 250 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 100 tỷ đồng trợ giá một số mặt hàng là giống cây trồng, muối iốt, dầu hoả, phân hoá học, giấy viết học sinh, sách, thuốc chữa bệnh; trợ giá cước vận chuyển mua thủy sản; mua máy thu thanh; hỗ trợ xây dựng các trạm phát thanh, truyền hình không dây. Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ DTTS đặc biệt khó khăn, tỉnh đã hỗ trợ tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng trong thời gian qua để phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong đó Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La tỉnh Điên Biên có tổng số vốn đầu tư, hỗ trợ gần 20 tỷ đồng tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ làm nhà, bảo tồn văn hoá truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực.

Đề án “Phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” đã  đầu tư, hỗ trợ gần 35 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đời sống; bảo tồn văn hoá truyền thống; hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo; hỗ trợ phát triển văn hóa - thông tin. Tỉnh đã cấp trên 3,8 tỷ đồng mua Báo Điện Biên Phủ, Báo Dân tộc và Phát triển cấp cho người có uy tín ở khu dân cư.

Ngoài những chính sách trên còn rất nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc đã được ban hành, thực hiện khá đầy đủ và toàn diện trong tỉnh đã bao quát hầu hết các lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin... Hệ thống chính sách đó tạo cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực và tập trung thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào DTTS đã được thực hiện theo hướng đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào các dân tộc thụ hưởng .

Nhờ có hệ thống các chính sách đồng bộ, kịp thời và việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nên diện mạo của vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có những đổi thay rất cơ bản. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao từng bước, tình hình chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

1
Các chương trình dự án hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo Dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm

 

Bà Chu Thuỳ Liên, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp các ngành tỉnh đã đồng bộ vào cuộc triển khai tốt các chương trình, dự án. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc.

Chúng ta cũng thấy rằng, cuộ sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi, bộ mặt của khu vực đồng bào đã ngày càng khang trang hơn; điện, đường, trường, trạm đã đến tận cấp xã và nhiều lơi đã đến tận các bản; các đường liên thôn, liên xã cơ bản là đường bê tông.

Cùng với đó, giáo dục đã được nâng lên một bước, trẻ em trên 90% tới trường, các vấn đề an sinh xã hội ngày càng được nâng cao, đồng bào đã được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào đã được nâng lên và chúng ta cũng có rất nhiều những chương trình kế hoạch cũng như những chính sách lớn. Nhìn chung tổng thể thì vùng đồng bào dân tộc của chúng ta có rất nhiều khởi sắc.

Để đồng bào vươn lên thoát nghèo
 
Là một trong những điển hình về thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Bạc Cầm Phiêu, bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng chia sẻ: Trước đây, gia đình ông là một trong những hộ nghèo của bản. Cuối năm 2003, với số tiền 10 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện, ông đã đầu tư trồng 9ha cà phê.

Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, sau 5 năm trồng cà phê gia đình đã thoát nghèo. Với mong muốn làm giàu, ông tiếp tục vay NHCSXH 30 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư chăn nuôi và trồng rừng.

Với tinh thần và ý chí vượt khó vươn lên, ông xác định để kinh tế gia đình đi lên một cách bền vững trong điều kiện ít vốn thì, phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Nghĩ và làm, ông đã cải tạo lại nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình thành ao, với diện tích mặt nước gần 2.000m2 để nuôi cá thương phẩm.

Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 50 triệu đồng từ bán cá. Từ chỗ chỉ vài ha rừng, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích rừng trồng lên 10ha. Ông Phiêu cho biết, hiện ông đang trồng các loại cây ăn quả xen vào các diện tích trồng cà phê, để khi khai thác diện tích cây gỗ dổi, vẫn có thêm thu nhập từ các loại cây ăn quả này. Ðến nay, gia đình tôi có 75 con trâu, bò, dê; gần 1.000 con gia cầm, trên 3.000 cây dổi găng chuẩn bị cho thu hoạch, trên 10ha cà phê; lợi nhuận thu về từ 350 - 400 triệu đồng/năm.

Ông Bạc Cầm Phiêu - Bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Gia đình tôi đã lên đây phát triển kinh tế hơn chục năm rồi, chủ yếu là trồng cà phê với trồng rừng. Nhiều năm trước thì cũng khó khăn, song được sự quan tâm của Nhà nước, tôi vay ngân hàng chính sách 50 triệu để phát triển, mở rộng quy mô, trồng chuối, trồng mía thêm để gia đình phát triển kinh tế sau này.

Huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ có 100% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu là sản suất nông nghiệp. Tập quán sản suất nhỏ lẻ mang tính tự cung tự cấp, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống Nhân dân còn khó khăn.

Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Nậm Pồ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 30a, Chương trình 135/CP, Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2016 đến nay, huyện Nậm Pồ đã huy động được hơn 900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.

Huyện Nậm Pồ đã sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đó để đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.

Nhờ ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng cách giữa các vùng đồng bào đã dần được thu hẹp, các dân tộc đoàn kết, gắn bó trong quá trình xây dựng và phát triển.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện dần được nâng lên, nhất là Nhân dân ở các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, thu nhập bình quân theo đầu người từ 7 triệu đồng/ người/ năm vào năm 2013 đã lên 11 triệu đồng/ người/ năm như hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt trên 4 % và tỉ lệ người dân được hưởng các hình thức bảo hiểm luôn đạt trên 99%.

1
Từ năm 2016 đến nay, huyện Nậm Pồ đã huy động được hơn 900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn.

 

Ông Điêu Bình Dương, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Thông qua những chương trình, chính sách, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phát triển hạ tầng sản xuất cho người dân như các công trình phúc lợi, các công trình thuỷ lợi, nước sạch. Từ những nguồn vốn đàu tư đó, góp phần rất lớn trong quá trình phá triển đời sống cho người dân, góp phần đem lại hiệu quả rất lớn trong  việc thực hiện các chính sách an sinh xa hội. Từ đó tạo ra niềm tin đối với người dâ về những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời song vật chất cũng như tih tần của người dân. 

Hiệu quả từ một Đề án giảm nghèo

Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, trong đó chính sách từ chương trình 30a của Chính Phủ là động lực giúp họ thoát nghèo bền vững.

Là một trong 5 huyện của tỉnh được thụ hưởng chính sách từ chương trình 30a của Chính phủ. Thời gian qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững”, các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.

Ngoài được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề… thì chính sách hỗ trợ sản xuất đã góp phần quan trọng làm thay đổi tập quán sản xuất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi và làm thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Trong 8 nội dung hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập được triển khai tại địa phương, bà con được hỗ trợ phát triển cây chè Shan tuyết, hỗ trợ một lần các giống cây trồng vật nuôi giá trị kinh tế cao, hỗ trợ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang.

Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 10/12 xã có đường nhựa đến trung tâm, 100% thôn bản có đường xe máy, 50% thôn bản, tổ dân phố có đường nhựa, đường bê tông; 100% số xã, 85% thôn, bản có điện lưới quốc gia, 96km kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo nước tưới tiêu cho gần 1.600ha ruộng; 42% số xã có nhà văn hoá xã; 26% thôn bản có nhà văn hóa; số lao động có việc làm ổn định tăng qua các năm, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách được thực hiện kịp thời, đầy đủ; quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo và giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, các nguồn lực đầu tư chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững được các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Thông qua đó nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở về công tác xoá đói giảm nghèo đã từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đêmù giảm từ mức 4-5%. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp  thời. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo giữ vững góp phần thực hiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn

Theo đánh giá chung, trong số 5 huyện của tỉnh được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì Mường Ảng là địa phương triển khai hiệu quả nhất. Được chia tách từ năm 2007, huyện Mường Ảng gồm 9 xã, 1 thị trấn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông–lâm nghiệp, phong tục tập quán canh tác, sản xuất còn nhiều lạc hậu, nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.

1
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn được nâng lên

 

Trong thời gian qua, các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a được huyện Mường Ảng triển khai kịp thời và đúng đối tượng. Trong đó, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân được huyện đặc biệt chú trọng. Với sự vào cuộc đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong huyện qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a, đến nay Mường Ảng đã có nhiều chuyển biến.

Thu nhập bình quân của huyện Mường Ảng năm 2018 ước đạt gần 18 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm đạt khoảng trên 55.000 tấn; lương thực bình quân ước đạt gần 400kg/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Ảng đã tiệm cận mức bình quân của tỉnh là trên 41% và thấp nhất trong số 5 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh được thụ hưởng Chương trình 30 A của Chính phủ.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn vay vốn; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo; chính sách đối với người có uy tín; chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa đã được huyện quan tâm làm tốt góp phần giảm bớt những khó khăn thiếu thốn cho đồng bào các dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Đối với bà con thì sau khi đươc thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp cho người dân từng bước thực hiện tốt công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống thu nhập cho bà con.

Thông qua việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để cho bà con chủ động trong lĩnh vực sản xuất và cụ thể trong những năm qua tỷ lệ hộ nghèo tren địa bàn huyện giảm đáng kể, bình quân mỗi năm giảm trên 6%, đây là kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với người dân và tạo sự tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Giai đoạn 2016–2018, triển khai Chương trình 30a với 3 tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đa dạng sinh kế và hỗ trợ xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, đạt gần 540 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn lớn nhất tập trung đầu tư xây dựng 107 công trình nhà lớp học, thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt…; tiếp đến là nguồn vốn hỗ trợ các hộ, cộng đồng khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất đạt gần 7.000 ha, hỗ trợ khai hoang, phục hóa tạo ruộng bậc thang gần 400ha.

Ngoài ra, các dự án của Chương trình còn hỗ trợ vay tiền không lãi suất, vay tiền một lần cho hàng nghìn hộ mua giống, phân bón chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm thiết bị, máy móc sản xuất, bảo quản nông sản. Có thể thấy các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo nông thôn tại những vùng khó khăn của tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Về kinh tế, khu vực đồng bào DTTS và toàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đạt 9%; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; bộ mặt đô thị, nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi đáng kể. Bước đầu hình thành các vùng kinh tế.

Công tác hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La, ổn định dân cư khu vực Mường Nhé được triển khai tích cực. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ: Giáo dục và đào tạo phát triển nhanh về quy mô, nâng lên về chất lượng; cơ sở vật chất, mạng lưới y tế được tăng cường, chất lượng khám, chữa bệnh của đồng bào các dân tộc được nâng lên.

Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh; quan tâm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được tích cực triển khai; tỷ lệ hộ nghèo từ 50% năm 2015 giảm còn 41% như hiện nay. Quốc phòng - an ninh được quan tâm củng cố; chính trị, xã hội ổn định, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh biên giới quốc gia được giữ vững.

Đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc có trình độ đại học, cao đẳng và được bồi dưỡng lý luận chính trị. Ngày càng nhiều cán bộ người DTTS tham gia các cơ quan trong hệ thống chính trị.

So với cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo ở tỉnh Điện Biên vẫn còn cao, đời sống của đồng bào nhiều nơi vẫn còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn, nhất là mỗi khi có thiên tai. Do đó, việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn là mục tiêu Ban Dân tộc ưu tiên hàng đầu để tham mưu với UBND tỉnh trong thời gian tới.
 
Giữa không khí mùa xuân của đất trời Tây Bắc trong đó có Điện Biên, sắc trắng tinh khôi của hoa ban, sắc hồng của đào, những chồi non lộc biếc đua nhau khoe sắc, có thể nhận thấy mùa xuân đong đầy niềm vui, ước vọng và hạnh phúc qua những ánh mắt, nụ cười của người dân vùng cao.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn tỉnh đã đem lại một nguồn lực to lớn giúp tỉnh ta hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng.

Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, với nhận thức ngày càng tiến bộ, với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết vươn lên, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước; từ mùa xuân này và nhiều mùa xuân mới nữa, đồng bào các dân tộc thiểu số Điện Biên nỗ lực chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.


 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.