40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

"Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử"

Chủ Nhật, 17/02/2019, 15:46 [GMT+7]

Bốn mươi năm đã qua, đồng chí, đồng đội người còn người mất, nhưng tất cả đều hướng về những ngày tháng hai lịch sử.
 
Những ngày này, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) luôn tấp nập người đến viếng, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trước sự tấn công của quân Trung Quốc. Bốn mươi năm đã qua, đồng chí, đồng đội người còn người mất, nhưng tất cả đều hướng về những ngày tháng hai lịch sử với các trận chiến đã đi vào huyền thoại như: “Lò vôi thế kỷ”, “Cối xay thịt”, “Thác âm phủ”, “Thung lũng gọi hồn”…
 

1
Ngôi mộ tập thể các chiến sỹ hy sinh trong hang Sập vừa được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.


Dòng người đến viếng nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên những ngày này là các cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và rất nhiều đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc với mong muốn thắp một nén hương thơm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc.

Dù sức khỏe không được tốt sau trận ốm kéo dài, nhưng hôm nay, cựu chiến binh Ngô Văn Thìn, ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vẫn vượt qua gần 700km đến Hà Giang thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Là quân của Sư đoàn bộ binh 314, cựu chiến binh Ngô Văn Thìn tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại mặt trận nóng bỏng Vị Xuyên. Nơi đó-những năm tháng đáng nhớ nhất của cuộc đời ông.

"Được về đến đây và thăm chiến trường xưa vừa mừng vừa cảm xúc. Bây giờ tôi đã có tuổi rồi, nhưng lúc nào còn có sức thì chúng tôi còn lên thăm đồng đội. Mong các đồng đối cứ an nghỉ. Thế hệ con cháu sẽ tiếp bước bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc", ông Ngô Văn Thìn nói.
 

1
Cựu chiến binh Ngô Văn Thìn thắp hương cho đồng đội.


Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thuỷ là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đối với các cựu chiến binh từng tham chiến nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, ngày 17/2 hàng năm được coi là ngày đặc biệt - ngày quân Trung Quốc mở màn tấn công biên giới nước ta. Nhiều địa danh, trận chiến tại vùng đất địa đầu Tổ quốc đã đi vào lịch sử như: 1509, 468, Cô Ích, Bốn Hầm, Lò vôi thế kỷ... Để bảo vệ từng tấc đất quê hương hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống, nhiều người bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm.

Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên hôm nay là nơi yên nghỉ của gần 1.800 anh hùng liệt sỹ, trong đó còn nhiều phần mộ chưa xác định được thông tin. Tưởng nhớ đồng đội, day dứt trước nỗi mất mát quá lớn, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành, Trung đoàn 877, nay nghỉ hưu tại thành phố Hà Giang không phải chờ đến ngày giỗ trận 12/7, ngày thương binh liệt sỹ, lễ tết, mới đến thắp hương tại nghĩa trang Vị Xuyên, mà mỗi lúc có dịp ông lại trở về thăm đồng đội. Với ông đến với đồng đội, về lại chiến trường xưa là một điều hạnh phúc. Ở đó, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành được sống lại tuổi xuân phơi phới, bi hùng:

"Mỗi lần về thật sự có những tình cảm khó tả lắm. Khi đến chốn linh thiêng này và thắp hương cho các đồng đội tôi thấy biết ơn sự hi sinh, mất mát của các anh. Lần nào cũng thế mình đến đây rất xúc động. Mình là những người may mắn hơn mình càng phải trân quý những gì đang có hôm nay", ông Thành cho biết.
 

1
Công việc hàng ngày của ông Đặng Văn Quỳnh tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.


Giữa bạt ngàn ngôi mộ, giữa dòng người thành kính thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, ở một góc nghĩa trang Vị Xuyên chúng ta vẫn nghe tiếng chổi xào xạc của một người đàn ông quét dọn, nhổ từng ngọn cỏ, nhặt từng chiếc lá trên phần mộ các anh. Đó là ông Đặng Văn Quỳnh, năm nay 60 tuổi, nhà ở gần nghĩa trang. Ông Quỳnh cho biết, sau khi tham gia dân công hỏa tuyến trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, trở lại đời thường bươn chải với cuộc sống mưu sinh, ba năm nay ông tham gia trông coi, vệ sinh phần mộ các anh hùng liệt sỹ. Theo ông đó cũng là cách để tri ân những người con mọi miền đất nước đã anh dũng hi sinh trên quê hương Hà Giang.

"Công việc hàng ngày của tôi rất là nhỏ, quét dọn nghĩa trang. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ rất là to lớn. Là người dân địa phương tôi muốn góp một phần nhỏ bé để biết ơn các anh", ông Đặng Văn Quỳnh nói.

“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Lời thề ấy của liệt sỹ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Ninh, dân tộc Mường, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 khắc ghi trên báng súng đã trở thành phương châm sống, chiến đấu của những người lính Vị Xuyên năm xưa. Sự hi sinh anh dũng của các anh để vẹn nguyên từng tấc đất quê hương, và màu xanh biên giới luôn xanh thắm bốn mùa./.

 

 

Theo Huy Nam/VOV

.