Tai nạn thảm khốc do "con nghiện" lái xe, ai chịu trách nhiệm?

Thứ Bảy, 26/01/2019, 16:03 [GMT+7]

Liên tiếp hàng loạt tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, trách nhiệm luôn được đặt ra, nhưng theo các chuyên gia, không rõ ai chịu trách nhiệm chính.
 
Chưa đầy 1 tháng đầu năm mới, xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT thảm khốc, làm chết nhiều người tại Long An và Hải Dương, trong đó các tài xế đều được xác định dương tính với ma túy. Chưa khi nào tình trạng lái xe nghiện ma túy lại gióng lên hồi chuông báo động như lúc này.
 

1
Hiện trường vụ TNGT kinh hoàng ở Long An vừa qua.


Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tai nạn do tài xế nghiện ma túy, doanh nghiệp (DN) không thể vô can. Ngoài việc xử lý tài xế, DN vận tải hay chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, giám sát.

Cầu vượt “có như không” và chiến lược phát triển giao thông sai

Theo kỹ sư giao thông Hồ Sỹ Minh, tư vấn xây dựng giao thông cho rằng, không có nước nào trên thế giới thiết kế cầu đường bộ vượt quốc lộ như ở Việt Nam.

Cầu vượt cho người đi bộ, xe thô sơ trên QL5 tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương có nhiều cái sai. Nhất là thiết kế đã phạm nhiều điểm tối kỵ khi xây cầu vượt cho người đi bộ.
 

Hiện trường vụ TNGT thảm khốc ở Hải Dương.


"Bằng mắt thường nhìn thấy có thể dễ dàng nhận ra cầu đường bộ qua QL5 lại làm lối lên xuống ở ngay giữa QL5 và đường sắt đã vi phạm thiết kế. Không những thế, lối lên xuống này còn không làm đường dân sinh cho người dân, buộc người lên xuống cầu vượt phải đi bộ ra đường QL5 đã vô tình tạo lên cái bẫy nguy hiểm cho người dân", ông Minh phân tích.

Trên QL5 hiện có 5-6 cầu vượt như cầu vượt ở xã Kim Lương, lối lên xuống cho người đi bộ nằm trên phần đường dành cho xe thô sơ, xe máy trên QL5.

Theo ông Minh, không chỉ trên tuyến QL5 có nhiều cầu vượt không đảm bảo thì hiện nay trên nhiều tuyến khác cầu vượt, hầm chui cũng bị thiết kế sai, không thuận tiện cho người sử dụng.

“Ví dụ như cầu vượt đường sắt ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Làm ra mấy chục tỷ nhưng dân không đi và không phù hợp. Hầm chui, cầu vượt nếu không tính toán cẩn thận thì dân sẽ không đi lên, vẫn sẽ có tình trạng có cầu vượt nhưng không ai dùng...”, ông Minh nói.
 

1
Cầu vượt trên QL5 thiết kế không hợp lý.


Còn theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên GĐ Nhà Xuất bản GTVT) cho rằng, chiến lược giao thông vận tải thời gian qua chưa đúng, khi quá ưu ái đường bộ.

“Bộ GTVT cứ phấn đấu hàng năm có thêm nhiều km đường bộ, xem đó là thành tích, điều này là sai lầm. Trong khi đường sắt, đường thủy với nhiều lợi thế, chi phí rẻ, an toàn cho xã hội lại không được tập trung khai thác, sao chỉ có đường bộ Bắc - Nam. Đường sắt an toàn gấp 7-8 lần đường bộ, sao không tập trung? Do đó, muốn giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông chỉ có cách thay đổi chiến lược phát triển giao thông vận tải sang đường sắt, đường thủy”, ông Thủy đề xuất.

Chủ một doanh nghiệp vận tải lớn ở tỉnh Hải Dương (xin không nêu tên) cho biết, ông làm vận tải lâu năm nên hiểu và trăn trở với chiến lược giao thông hiện nay, khi phát triển đường bộ quên đường sắt với đường thuỷ (loại vận tải vừa rẻ, vừa an toàn). Hậu quả xe tải chạy ngập đường, tai nạn sẽ khó tránh khỏi.

“Tất cả do hệ thống kết nối các loại hình vận tải của ta chưa tốt”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói. Theo đó, vị này đồng tình với việc siết trách nhiệm doanh nghiệp với tài xế. Đồng thời, thống nhất lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông như nhiều nước đã làm, để xác định rõ trách nhiệm.

Tài xế quá nhiều sức ép?

Vẫn theo vị đại diện doanh nghiệp vận tải ở tỉnh Hải Dương, tình trạng lái xe, đặc biệt xe tải, container đường dài sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma tuý đã có từ lâu, không phải giờ mới có. Thường chủ phương tiện khoán xe cho tài xế, tài xế hoạt động độc lập, ít chịu điều hành, giám sát của doanh nghiệp.
 

1
Tài xế trong vụ TNGT kinh hoàng ở Long An được xác định dương tính với ma túy.


Cùng đó, nhiều tuyến đường qua đô thị cấm xe tải lớn, container lưu thông ban ngày, chỉ được chạy đêm, nên nhiều xe tới đô thị phải dừng lại chờ giờ được đi. Trong thời gian chờ đợi, lái xe không biết làm gì, “nhàn cư vi bất thiện”, nên phải đốt thời gian bằng cách bài bạc, ăn nhậu, rủ nhau sử dụng ma tuý.

“Ngày không chạy xe thì tụ tập chơi bời, tối lại chạy xe nên không có thời gian nghỉ ngơi, sức khoẻ không đảm bảo, khi điều khiển xe dễ gây tai nạn. Nên “cắn” ma túy, thuốc lắc cho tỉnh táo và khỏe để “cày” cả đêm. Khi xảy ra tai nạn, hậu quả rất khôn lường”, vị đại diện doanh nghiệp này phân tích.

Lái xe nghiện ma túy, doanh nghiệp không thể vô can

Còn theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên GĐ Nhà Xuất bản GTVT) cho rằng, nói tới trách nhiệm khi xảy ra tai nạn thì có nhiều, như Ủy ban ATGT, Bộ GTVT, Cảnh sát giao thông, chủ phương tiện, tài xế, cả xã hội…
 

1
Những hình ảnh TNGT ám ảnh mọi người trong những ngày đầu năm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và cần câu trả lời rõ ràng của các bên liên quan.


“Trách nhiệm là vô cùng. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành không có quy định nào chi tiết, ràng buộc trách nhiệm của từng bên, đặc biệt chủ phương tiện”, ông Thủy nói. Theo đó, chủ phương tiện đầu tư, kinh doanh xe, lợi nhuận thu về, nhưng những ràng buộc về kỷ luật, văn hoá giao thông, trách nhiệm khi xảy ra tai nạn không có gì.

Theo ông Thuỷ, vừa qua Bộ GTVT đã buông lỏng quản lý với chủ phương tiện, buông lỏng hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Dẫn tới doanh nghiệp buông lỏng cho lái xe nghiện ma tuý, sử dụng chất kích thích tuỳ tiện, điều khiển xe quá giờ quy định.

“Hiện trên đường có tới 2 lực lượng thực thi pháp luật là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Mỗi lực lượng phụ trách một lĩnh vực. Những lực lượng này dư luận đã nói nhiều, không ít vụ người dân phát hiện tham nhũng, chung chi, bảo kê cho xe vận tải. Do đó, phải chấn chỉnh lại các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt cảnh sát giao thông, khi lên kiểm tra xe phải nghiêm túc, không qua loa kiểu cho có”, ông Thủy nói.

Đồng thời, phải có quy định ràng buộc trách nhiệm chủ phương tiện với tài xế của mình. Có thể, nếu doanh nghiệp nào có xe gây tai nạn sẽ giám sát, kiểm tra đặc biệt trong thời gian 6 tháng, 1 năm. Thậm chí, đình chỉ có thời hạn với lãnh đạo doanh nghiệp vận tải.

Luật sư Trần Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề xuất, cần nâng mức chế tài xử lý thì doanh nghiệp mới sợ và quản lý chặt lái xe cũng như phương tiện.

“Để xảy ra tai nạn do tài xế nghiện ma túy, DN không thể vô can. Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện gây hậu quả, tức là liên quan đến chủ sở hữu phương tiện là tổ chức, là cá nhân. Trong đó có quy định trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm về hình sự nếu như biết người đó có sử dụng rượu bia, chất kích thích, sử dụng ma tuý hoặc không có bằng lái nhưng tất cả những quy định này vẫn chung chung, mơ hồ”, Luật sư Trần Anh Tú phân tích.

Vì thế, theo Luật sư Trần Anh Tú, ngoài việc xử lý tài xế, DN vận tải hay chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, giám sát. Và, mức phạt cần phải được nâng lên, có thể xử lý hình sự thay vì chỉ thanh, kiểm tra và xử phạt như hiện nay./.

 

 

Theo Phi Long/VOV.

.