Nợ BHXH giảm thấp nhất từ trước tới nay
Số nợ BHXH giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Theo BHXH Việt Nam, ước tính trong năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BH thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có sự tăng trưởng và đã đạt độ bao phủ 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước đạt trên 332.000 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số nợ giảm mạnh so với năm 2017, đạt mức thấp nhất từ trước đến nay, bằng 1,7% số phải thu.
Công tác mở rộng đối tượng tham gia, giảm nợ đọng được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động tới từng đối tượng cụ thể; tiếp tục mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua hệ thống bưu điện, bảo hiểm PVI...; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, thảo luận nhóm, tư vấn, phát tờ rơi… về chính sách BHXH, BHYT với người dân, người lao động ngay tại doanh nghiệp hoặc cộng đồng dân cư; chú trọng hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động và Nhân dân
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; chủ động phối hợp với ngành Kế hoạch - Đầu tư, Thuế… chia sẻ cơ sở dữ liệu để phân loại, vận động doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH, BHYT; phối hợp với Bưu điện và các hội, đoàn thể vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phối hợp với các ngành: Công an, Thanh tra, LĐ-TB&XH, LĐLĐ… thanh tra, kiểm tra, trong đó, tăng cường công tác thanh tra đột xuất và công bố công khai những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn Ngành ước khoảng 308.228 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách là 47.094 tỷ đồng, chi BHXH từ quỹ BHXH là 151.794 tỷ đồng; chi từ quỹ BH thất nghiệp là 9.476 tỷ đồng; chi KCB BHYT 99.864 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống, sức khỏe cho gần 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hàng tháng (trong đó có 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, gần 500 nghìn người nhận qua tài khoản cá nhân).
“Những con số này cho thấy, các vấn đề của BHXH, BHYT đang ngày càng trở nên thiết thực với mỗi người, mỗi nhà”, ông Đào Việt Ánh chia sẻ.
Năm 2018 cũng là năm ấn tượng với ngành BHXH. Đó là giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng có những thay đổi với Thông tư số 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện đồng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp. Bên cạnh việc điều chỉnh về giá, Thông tư số 39 là một bước cụ thể hóa mạnh mẽ hơn lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế khi cơ cấu cả tiền lương, ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp. Cùng với đó, BHXH Việt Nam và 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện đấu thầu thuốc tập trung giúp cho công tác quản lý và sử dụng thuốc KCB được an toàn, hợp lý, bảo vệ quyền lợi người bệnh BHYT.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2019, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; các Nghị định, văn bản hướng dẫn về thực hiện các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động và các Luật liên quan đến việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH…; Tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tổ chức dịch vụ công ích của nhà nước nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và thuận lợi cho người dân; tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp; đẩy mạnh thực hiện giám định điện tử tại tất cả các cơ sở KCB BHYT; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý mua sắm, sử dụng và thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế đối, sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT và bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT./.
Theo Vũ Hạnh/VOV