Hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Tuần Giáo

Thứ Ba, 01/01/2019, 09:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm với nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, nhờ đó nhiều người sau học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Tuần Giáo là huyện đông dân cư, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn bằng nghề nông nghiệp; hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng và vật nuôi.

Tuần Giáo đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết và bố trí kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề. Ưu tiên những đối tượng lao động là con em gia đình chính sách; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số, được tham gia học nghề và giới thiệu việc làm, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn.

1
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn

 
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, Trung tâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, nhằm bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo theo nhu cầu của người lao động. Trong đó, tập trung nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả ; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngoài việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ, Trung tâm luôn quán triệt phương châm đào tạo là: Học đi đôi với hành, nội dung lý thuyết và thực hành được cân đối phù hợp, trong đó ưu tiên việc thực hành. Để đánh giá kết quả, sau mỗi khóa đào tạo Trung tâm đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo và rút ra những bài học kinh nghiệm, để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp hơn trong đào tạo nghề. Bình quân mỗi năm, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo đào tạo trên 1.000 lao động nông thôn.

Ông Vũ Đức Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo cho biết: Trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao Trung tâm Dạy nghề huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai công tác đào tạo nghè trên địa bàn; thực hiện từ các thôn, bản, tới từng hộ gia đình, tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn và đăng ký nghề học phù hợp với điều kiện của gia đình và khả năng của từng lao động, từ đó có kế hoạch cụ thể đào tạo nghề cho LĐNT.

Theo đó, với lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp để có thể làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với lao động có điều kiện sản xuất thì hướng nghiệp cho họ bằng cách học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ như các mô hình chăn nuôi, trồng trọt... nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động.

Hiệu quả rõ nét nhất của công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn ở Tuần Giáo là: Người dân đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình Chị Lò Thị Khởi ở bản Thín A, xã Mường Thín là một trong số hàng nghìn học viên đã được đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo. Cũng như nhiều  nông dân khác trong huyện – khi chưa được đào tạo nghề – chị Khởi chưa biết cách chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, gia cầm đúng kỹ thuật mà vẫn chăn nuôi theo phương thức, tập quán cũ.

Cả năm gia đình chỉ nuôi được 1 đến 2 con lợn, 5 – 7 con gà; khi lợn, gà mắc bệnh cũng không biết làm cách nào để chữa trị. Bởi vậy nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của gia đình chị Khởi không phát triển được, không đủ để phục vụ nhu cầu cải thiện thực phẩm cho gia đình, chứ chưa nói đến trở thành hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập thêm. Giờ đây khi đã được đào tạo nghề, nắm được kỹ thuật chăn nuôi, chị Khởi đã tự tin biết cách chọn lựa con giống tốt; biết chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Chăn nuôi nay đã góp phần thu nhập đáng kể cho gia đình.

1
Sau thời gian học nghề, anh Lò Văn Thiện ở bản Cư Ẩm, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo đã tìm được việc làm ổn định

 
Năm 2017, anh Lò Văn Thiện ở bản Cư Ẩm, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo tham gia lớp học nghề gò hàn do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tuần Giáo tổ chức. Mặc dù thời gian học tập không dài, chỉ 3 tháng, nhưng sẵn có sự đam mê làm cơ khí và ham học hỏi, nên anh Thiện đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong nghề gò hàn.

Sau thời gian học nghề, anh Thiện đã tìm được việc làm ổn định ở xưởng cơ khí của một doanh nghiệp tư nhân. Ban đầu lương chỉ 3 đến 4 triệu đồng /1 tháng, nhưng sau hơn một năm lương của anh đã được tăng lên 7 triệu đồng/ 1 tháng. Ngoài ra, anh còn kết hợp với 1 nhóm thợ trực tiếp nhận các công trình làm cửa sắt, làm mái tôn để kiếm thêm thu nhập.

Giờ đây anh Thiện đã có công ăn việc làm ổn định, có tiền dành dụm để nuôi con ăn học, toan lo cho cuộc sống thường nhật; cái đói cái nghèo đeo đẳng bao năm nay đang bị đẩy ra khỏi gia đình anh.

Anh Lò Văn Thiện, Bản Cư Ẩm, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo cho biết: Từ trước kia tôi học hết lớp 9 ở nhà làm ruộng, có lớp đào tạo nghề tôi đã đăng ký tham gia học gò hàn. Năm 2017 tôi học 3 tháng, đầu tiên học xong chưa có việc tôi đã nghĩ ra đi tìm việc, tháng đầu tiên tôi chưa vừa ý, nhưng làm dần làm dần giờ đây lương của tôi đã được trả 7 - 8 triệu, cuộc sống xủa gia đình tôi đã ổn định. Sau này nếu tôi có điều kiện tôi sẽ mở xưởng làm riêng để phát triển kinh tế.

Nếu như trước đây, nhiều người dân xã Quài Nưa sống chủ yếu dựa vào nghề nông, thì nay họ đã dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Gia đình anh Quàng Văn Trị, ở Bản Noong Giáng, xã Quài Nưa là ví dụ điển hình. Gia cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, thu nhập kinh tế chỉ dựa vào mấy sào đất bạc màu, vì vậy mà cái nghèo cứ theo gia đình anh mãi.

Năm 2017, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Tuần Giáo mở lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy, anh Trị đã đăng ký tham gia. Có nghề trong tay, anh Trị đã mạnh dạn mở cửa hàng sửa chữa xe máy ngay trên mảnh đất ven đường quốc lộ của gia đình.

Nhờ chăm chỉ lao động, làm ăn uy tín, cửa tiệm của anh ngày càng đông khách, thu nhập khấm khá, anh đã dần sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị, con cái được chăm sóc tốt và ăn học tử tế. Nhìn thành quả ngày hôm nay có được, anh Trị cứ tiếc: “Giá như được học nghề sớm hơn”! Theo suy nghĩ của anh Trị thì, được Nhà nước hỗ trợ học nghề chính là người dân đã được trao “cần câu cơm”, giúp cho những người nghèo có nghề để kiếm sống lâu dài và mang lại thu nhập ổn định.
 
Trên đây là 3 trong tổng số hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn huyện Tuần Giáo sau khi được đào tạo nghề đã phát huy được hiệu quả. Đến nay sau hơn 8 năm triển khai, thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Tuần Giáo đã trở thành đơn vị đi đầu của tỉnh trong công tác đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn.

Các nghề được đào tạo chủ yếu là nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Cụ thể như các lớp: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng – trừ dịch hại cho các loại cây trồng; kỹ thuật trồng và khai thác rừng; sửa chữa xe máy, máy công trình; gò hàn cơ khí; kỹ thuật xây dựng.v.v... Sau đào tạo, tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 75%, nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài. Từ năm 2010 đến nay, huyện Tuần Giáo đã có trên 7.000 người là lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, đạt hơn 90% kế hoạch.

Trong đó 90% lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp; 10% được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp. Theo thống kê, trong tổng số hơn 7.000 lao động được hỗ trợ học nghề, có đến gần 5.000 người có việc làm sau đào tạo. Nhiều nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: Sửa chữa xe máy; xây dựng dân dụng đạt 70%.

1
Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng vào phát triển mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi

 

Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, kỹ năng vào phát triển mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Từ đó tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với công tác đào tạo, huyện Tuần giáo đã xây dựng thí điểm các mô hình sau đào tạo như: Mô hình trồng và chăm sóc cây ăn quả ở xã Quài Tở; chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm tại xã Quài Nưa; dạy nghề sửa chữa cơ khí ở Thị trấn Tuần Giáo.
 
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác đào tạo nghề, thời gian tới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội ngay từ đầu năm 2019 sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện kịp thời triển khai kế hoạch đào tạo nghề trong năm. Ngoài ra chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ngành chức năng tổ chức dạy nghề mở rộng hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề uy tín trong tỉnh như: Trường Cao Đẳng nghề, Trường Cao Đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên. Để kịp thời đào tạo theo chỉ tiêu kế hoạch giao.

Thời gian tới, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, huyện Tuần Giáo sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề theo định hướng phát triển của địa phương và theo nhu cầu của người lao động. Trên cơ sở điều tra, khảo sát về nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu học nghề của nông dân, Trung tâm sẽ thực hiện phân nhóm đối tượng để tổ chức đào tạo đa dạng các ngành nghề, phù hợp với lứa tuổi và các nhóm đối tượng.

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề. Cùng với đó, sẽ tăng cường các lớp đào tạo di động với phương châm “3 tại chỗ”. Đó là: Tuyển sinh tại chỗ; đào tạo tại chỗ; cấp chứng chỉ, kinh phí hỗ trợ tại chỗ cho học viên. Trung tâm tiếp tục bổ sung, cải tiến, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo hướng gọn nhẹ, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giới thiệu và giúp học viên tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định sau đào tạo./.



 

Chung Dũng – Duy Hưng/DIENBIENTV.VN

.