Giữ rừng ở Mường Nhé, còn đó những khó khăn

Thứ Sáu, 18/01/2019, 16:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, huyện Mường Nhé luôn được biết đến là điểm nóng về tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, do hầu hết các vụ phá rừng ở Mường Nhé không phải vì mục đích lấy gỗ mà là để lấy đất làm nương rẫy; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm gần 70%, diện tích lúa nước ít, các ngành nghề kinh tế phụ trợ chưa phát triển, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì nguy cơ tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy là rất lớn.

Huyện Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên hơn 250.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 71.000 ha. Không chỉ là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh, một điều khác biệt giữa huyện Mường Nhé với các địa phương khác là toàn bộ diện tích rừng ở đây đều là rừng phòng hộ xung yếu, cần bảo vệ nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, nhiều năm qua, Mường Nhé luôn là điểm nóng của tình trạng phá rừng. Cái khó của việc ngăn chặn tình trạng phá rừng ở huyện Mường Nhé được xác định chủ yếu là do áp lực dân di cư tự do quá lớn.

1
Nhân dân bản Sen Thượng, xã Sen Thượng thường xuyên thay nhau tuần tra, canh giữ, phát đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng

 

Tại hầu hết các thôn bản, thậm chí ngay cả những nơi thuộc diện sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79, người dân cũng đang trong tình trạng thiếu đất sản xuất. Những hộ chưa được chia đất sản xuất thì thiếu đã đành, nhưng cũng còn rất nhiều hộ đã được chia đất nhưng không đủ diện tích sản xuất theo nhu cầu thực tế. Chính vì thiếu đất sản xuất nên việc phá rừng làm nương rẫy có thể xem như là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, điều này giờ đây đang phần nào có những thay đổi nhờ những chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Do đang là thời điểm bước vào mùa khô, Nhân dân bản Sen Thượng, xã Sen Thượng thường xuyên thay nhau tuần tra, canh giữ, phát đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Bản Sen Thượng hiện có gần 4.000 ha rừng phòng hộ được người dân nhận khoán bảo vệ và được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với mức hưởng lợi trung bình mỗi năm hơn 30 triệu đồng/1hộ. Từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản Sen Thượng đã coi rừng là tài sản, là cuộc sống, là sinh kế của của mình.

Ông Trang Trùy Cà,Trưởng bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé cho biết: Không chỉ riêng ở bản Sen Thượng, mà đến nay toàn xã Sen Thượng đã thực hiện giao khoán 100% diện tích rừng, với hơn 10 nghìn ha cho cộng đồng bảo vệ.  Riêng bản Tả Ló San hiện có 14 hộ, nhận bảo vệ 2.000  ha rừng, tính bình quân mỗi hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng một năm. Người dân xã Sen Thượng đã thực sự “sống” được nhờ tham gia bảo vệ rừng. Hơn nữa với 8 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi năm, đã giúp bà con trong xã từng bước hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

1
Công tác tuyên truyền vận động giữ rừng của các cơ quan chức năng hiện nay không còn là khẩu hiệu, mà lợi ích từ việc bảo vệ rừng đã gắn chặt với bà con

 
Công tác tuyên truyền, vận động giữ rừng của các cơ quan chức năng hiện nay không còn là khẩu hiệu, mà lợi ích từ việc bảo vệ rừng đã gắn chặt với bà con. Những chính sách cụ thể đã được đưa đến người dân và nhận được sự đồng thuận cao.
 
Với kỳ vọng công cuộc bảo vệ rừng ở Mường Nhé sẽ có bước chuyển mới tích cực hơn, ngày 22/2/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 420, huy động sự tham gia của gần 500 người mà lực lượng nòng cốt là cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tại điểm nóng nhất của tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ phải băng suối, leo núi đến các bản tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không để người di cư ngoài kế hoạch vào bản, không tham gia phá rừng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Mường Nhé không hề đơn giản. Hầu hết các vụ phá rừng ở đây không phải vì mục đích lấy gỗ mà là để lấy đất làm nương rẫy. Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 70%, diện tích lúa nước ít, các ngành nghề kinh tế phụ trợ chưa phát triển, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nguy cơ tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy là rất lớn.

Phát biểu: Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết: Không chỉ đến hôm nay mà từ nhiều năm về trước, công tác bảo vệ, phát triển rừng luôn được huyện Mường Nhé đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mong mốn, bởi công tác bảo vệ rừng mới chỉ là tuyên truyền, vận động và xử lý điểm một vài vụ phá rừng mang tính chất răn đe.

Người dân phần nào đã hiểu được tác hại của việc mất rừng, nhưng “không có thực, làm sao vực được đạo”. Trong khi dân số toàn huyện lên tới trên 40.000 người,  nhưng diện tích ruộng lúa nước chỉ có hơn 1.000 ha. Diện tích gieo cây được 2 vụ không đáng kể. Sức ép về lương thực khiến cho những cánh rừng đầu nguồn tại huyện Mường Nhé dần bị thu hẹp

Theo số liệu thống kê thì từ năm 2013 đến nay, toàn huyện Mường Nhé đã có trên 500ha rừng bị chặt hạ. Song, với nhận định của nhiều người thì con số thực tế có thể sẽ phải lớn hơn nhiều. Bởi chỉ tính riêng trong năm 2017, ngay trong thời điểm các tổ công tác thực hiện Kế hoạch 420 đang thực hiện nhiệm vụ, huyện Mường Nhé vẫn xảy ra 159 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 143 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích rừng bị phá trên 142ha. Đến thời điểm này, phần lớn những hộ dân di cư vào từ nhiều năm trước đều đã được bố trí sắp xếp đất ở và đất canh tác. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát, xác minh và làm thủ thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân để người dân yên tâm sản xuất.

2
Ổn định đời sống cho người dân nhằm hạn chế tình trạng phá rừng sảy ra trên địa bàn

 

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ngay sau khi các tổ công tác của Kế hoạch 420 hoàn thành nhiệm vụ, UBND huyện Mường Nhé đã thành lập các tổ phản ứng nhanh gồm khoảng 40 người, có mặt tại các điểm nóng về tình trạng phá rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi phá rừng trái phép. Tuy nhiên, việc đảm bảo diện tích rừng không tiếp tục bị xâm hại luôn là thách thức lớn đối với huyện Mường Nhé.  Tình trạng phá rừng thời gia gần đây hết sức phức tạp và tinh vi chứ không như thời gian trước. Đặc biệt người dân không ngần ngại có những hành vi ngăn cản, chống lại người thực thi nhiệm vụ.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Lù Văn Thanh, để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép ở huyện Mường Nhé còn được xác định là do năng lực, quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư, thôn bản khi được giao rừng còn nhiều hạn chế, một số thành viên trong cộng đồng còn thiếu tinh thần trách nhiệm khiến rừng bị phá nhưng không ngăn chặn được.

Cùng với đó là những hộ thiếu đất sản xuất vẫn lên các điểm quy hoạch rừng để dựng nhà ở tạm và canh tác… Do vậy, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng làm nương rẫy, không còn cách nào khác, một giải pháp căn cơ cần được tỉnh ta thực hiện là nhanh chóng bố trí sắp xếp nơi ở ổn định, tạo thêm sinh kế mới cho người dân, để cuộc sống của họ không còn phụ thuộc quá nhiều vào nương rẫy.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trước mắt, huyện Mường Nhé sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ nguồn lực về giống, vốn, tạo việc làm và sinh kế ổn định cho bà con sinh sống ở khu vực vùng đệm, khu vực rừng bảo tồn, từ đó từng bước nâng cao ý thức và trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo vệ rừng./.
 

 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.