Cúng ông Công ông Táo: Đặt mâm cỗ cúng ở đâu là chuẩn nhất?
Cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một tập tục truyền thống của người Việt. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi cúng ông Công ông Táo.
Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ cúng ông Công ông Táo
Theo chuyên gia phong thủy Nhật Minh (CLB Phong thủy Thăng Long), có nhiều cách giải thích cho nguồn gốc của tập tục cúng ông Công ông Táo.
Trong hệ thống văn hóa tín ngưỡng của người Việt có rất nhiều vị thần linh, mỗi vị thần linh cai quản một lĩnh vực của cuộc sống. Do đời sống của người Việt cổ gắn mật thiết với cái bếp, tất cả mọi sinh hoạt đều xảy ra quanh bếp lửa nên vị thần bếp được coi trọng nhất, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân.
Sau đó, trong quá trình phát triển của nền văn hóa, phát triển thành tập tục cúng ông Công ông Táo. Nguồn gốc của việc cúng ông Công ông Táo như thế được coi là dễ chấp nhận nhất trong các giả thiết.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo |
Theo truyền thống, các gia đình thường làm mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp, có thể cúng trước vào ngày 22 tháng Chạp tùy điều kiện gia đình. Việc làm mâm cỗ cúng là để tiễn ông Táo lên thiên đình bẩm báo tất cả các việc xảy ra trong năm của gia đình và cũng là người kết nối gia đình với các vị thần linh trên thiên đình, chuyển tải mong ước của gia chủ trong năm mới.
Tại sao lại cúng cá chép
Ảnh minh họa |
Nền văn minh của người Việt là phát triển lúa nước và con cá chép là một trong những sản vật sông nước được coi trọng. Vì tôn trọng thần linh nên người dân dùng cá chép, là một trong những sản vật quý để cúng.
Thứ hai nữa là theo truyền thuyết, cá chép có khả năng hóa rồng, có thể bay lên trời, vì thế cho nên người dân cúng cá chép hy vọng con cá chép có thể hóa rồng đưa Táo quân lên trời.
Có 3 cách cúng cá chép đó là cúng cá chép giấy, cá chép nấu/nướng, cúng cá chép sống rồi phóng sinh. Tục cúng cá chép giấy gắn với tục cúng vàng mã trong dân gian. Cúng cá chép bằng vật thực để nấu hoặc nướng, sau đó gia đình thụ hưởng. Với tục cúng cá chép phóng sinh, trong bản thể văn hóa của người Việt khi chưa có giao thoa với văn hóa Phật giáo thì không có tục phóng sinh, chuyên gia Nhật Minh cho biết.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo nên đặt ở đâu
Xưa nay, cúng ông Công ông Táo là tập tục dân gian, không có tài liệu nào quy định cụ thể việc này. Tuy nhiên, thông qua nguồn gốc ý nghĩa của việc thờ cúng, từ xưa cuộc sống của người Việt cổ quây quần bên bếp lửa, mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra quanh bếp lửa nên việc cúng ông Công ông Táo khởi thủy là đặt bên cạnh bếp lửa.
Sau đó, do phát triển của kiến trúc mới quy định chỗ dành riêng cho việc thờ cúng. Đúng nhất thì việc cúng ông Công ông Táo vẫn phải theo tục lệ là đặt bên bếp lửa. Các gia đình nên cố gắng bảo tồn theo truyền thống dân gian, cúng tại bếp theo phong tục xưa, đó cũng là một nét văn hóa.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa PGS.TS Trần Lâm Biền, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải được đặt ở một nơi riêng, có thể đặt trong nhà, dưới bếp, ngoài vỉa hè, tùy từng gia đình nhưng không được cúng trên bàn thờ chính, cúng giờ nào cũng được, từ ngày 22 đến 24 tháng Chạp, theo tục lệ của từng địa phương, quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ./.
Theo Minh Anh/VOV