Cả hệ thống chính trị cùng chung tay với người dân xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 10/01/2019, 07:38 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, nếu như năm 2015 toàn tỉnh chỉ có một xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến hết năm 2018 có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

d
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. (Trong ảnh: Xã Tà Lèng đón nhận "Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017".)

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bằng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, chi tiết, với các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú như: Tổ chức hội thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới; mở các hội nghị chuyên đề và lồng ghép qua các hội nghị để tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; nêu gương người tốt việc tốt, các đơn vị, cơ sở có cách làm hay, sáng tạo trên phương tiện thông tin đại chúng... Qua đó, đã truyền tải được nội dung của Chương trình nông thôn mới đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, giúp cho cán bộ và người dân nhận thức sâu rộng hơn về chương trình.

Song song với đó là tích cực vận động và hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi dua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, từng phong trào đã đạt dược kết quả nhất định. Thông qua việc tuyên truyền, vận động đã nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nên sự chuyến biến sâu sắc về nhận thức của người dân. Từ đó, người dân trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, có những việc làm cụ thể, thiết thực như: hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn (bản), xây dựng nếp sống văn minh ở cộng đồng dân cư.

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định xét công nhận 9 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 19/19 tiêu chí) gồm xã: Mường Phăng, Nà Nhạn, Núa Ngam, Noong Luống - huyện Điện Biên; Chà Nưa - huyện Nậm Pồ; Sín Thầu - huyện Mường Nhé; 3 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (đạt từ 15 - 18 tiêu chí) gồm xã: Quài Nưa - huyện Tuần Giáo, Mường Mươn - huyện Mường Chà và Mường Luân - huyện Điện Biên Đông.

d
Cả hệ thống chính trị cùng chung tay với người dân xây dựng nông thôn mới

 

Tỷ lệ xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí có 7/116 xã (chiếm 6,03%), từ 5 - 9 tiêu chí có 84/116 xã (chiếm hơn 72%); tỷ lệ xã đạt dưới 5 tiêu chí còn 3/116 xã (chiếm 2,58%).

Số tiêu chí bình quân đến hết năm 2018 là 8,6 tiêu chí/xã, tăng 1,86 tiêu chí/xã so với năm 2017. Các huyện có số tiêu chí bình quân/xã đạt cao: Thị xã Mường Lay, TP. Điện Biên Phủ 19 tiêu chí/xã; huyện Điện Biên 13,2 tiêu chí/xã; huyện Mường Ảng 8,2 tiêu chí/xã; huyện Tuần Giáo 7,1 tiêu chí/xã; Mường Chà 6,9 tiêu chí/xã; huyện Nậm Pồ 6,8 tiêu chí/xã; huyện Mường Nhé 6,7 tiêu chí/xã; huyện Tủa Chùa 6,36 tiêu chí/xã; huyện Điện Biên Đông 6,3 tiêu chí/xã.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đang "lắng xuống"

Tuy nhiên, các nguồn lực huy động cho đầu tư xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được khối lượng, nhiệm vụ yêu cầu của chương trình; chủ yếu từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình và nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn khu vực nông thôn. Thêm vào đó, Điện Biên có 101 xã đặc biệt khó khăn; 7/10 đơn vị cấp huyện là huyện nghèo nên việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư rất hạn chế; người dân chủ yếu đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua hiến đất, tham gia lao động trực tiếp vào các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra tồn tại hạn chế lớn nhất hiện nay là: Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang "lắng xuống", nhất là đối với các xã đã đạt nông thôn mới, trong đó thể hiện rõ nhất là công tác vệ sinh môi trường tại các địa phương chưa được quan tâm.

Năm 2019, Điện Biên phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt bình quân các xã 9,3 tiêu chí/xã, đến 6 tháng đầu năm 2019 không còn xã dưới 5 tiêu chí./.

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN

.