Xây dựng nghĩa trang 310 tỷ: Ngành chức năng tỉnh Sơn La nói gì?
Dự án xây nghĩa trang TP Sơn La với tổng mức đầu tư khoảng 310 tỷ đồng đã vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận.
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về việc xây dựng nghĩa trang nhân dân Thành phố Sơn La, lãnh đạo Sở Xây dựng và Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La đã có những thông tin chính thức về dự án này.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất của TP Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn 2050. |
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Trần Dân Khôi, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cho biết, nghĩa trang nhân dân TP Sơn La quy hoạch tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Quyết Tâm, TP Sơn La có diện tích 40ha. Trong đó, diện tích lập quy hoạch là 19,81 ha; còn lại là diện tích đất rừng tái sinh giữ nguyên theo hiện trạng.
Dự kiến, khu nghĩa trang này có 2 lò hỏa thiêu, trong đó, 1 lò hoạt động chính thức, 1 lò dự phòng. Tổng mức đầu tư cho toàn dự án khoảng 310 tỷ đồng. Việc quy hoạch nghĩa trang tại đây phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được duyệt; cùng các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý nghĩa trang; đáp ứng đầy đủ các quy định về cự ly khoảng cách an toàn về môi trường; thỏa mãn các tiêu chí đã đề ra về địa điểm quy hoạch nghĩa trang nhân dân…
Trước những băn khoăn của dư luận về địa điểm quy hoạch xây dựng nghĩa trang nằm trong đô thị, hay ngoài khu vực đô thị, ông Trần Dân Khôi cho hay: “Vị trí và địa điểm quy hoạch nghĩa trang nhân dân TP nằm ngoài ranh giới quy hoạch chung đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 và phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch đô thị chung đã được duyệt, đảm bảo có khả năng phục vụ thuận tiện cho liên vùng và liên đội thị”.
Lý giải việc nhiều hộ dân chưa được thông tin về việc triển khai dự án này (như VOV đã phản ánh trước đó), ông Trần Dân Khôi cho biết, trong quá trình khảo sát, lập quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung vị trí, địa điểm quy hoạch nghĩa trang nhân dân TP Sơn La, Sở xây dựng, UBND TP Sơn La đã nhiều lần mời đại diện các bên liên quan như Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La; Trường Đại học Tây Bắc; Đảng ủy, UBND các xã, phường Chiềng Cơi, Chiềng Ngần, Quyết Tâm (TP Sơn La)…tham dự. Còn việc các đơn vị này về triển khai tại cơ sở thế nào thì ông... không nắm rõ?!
Về những băn khoăn, lo lắng của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc và các hộ dân khi nghĩa trang, lò hỏa táng được quy hoạch liền kề với khu ăn ở, sinh hoạt, học tập của họ, theo ông Khôi là hoàn toàn có cơ sở, chủ yếu do tâm lý kiểu cứ nói đến nghĩa trang là nghĩ đến sự lạnh lẽo, chết chóc, vì vậy không ai muốn.
Một góc khu vực Phiêng Khá (Khu nhà ở phía xa là Đại học Tây Bắc). |
Còn nghĩa trang nhân dân TP Sơn La dự kiến sẽ được xây dựng theo mô hình nghĩa trang công viên tưởng niệm, rất văn minh, hiện đại, khác xa với kiểu nghĩa trang truyền thống xưa nay.
“Đây chủ yếu là quan ngại về tâm lý khi người dân chưa hiểu rõ các quy định của Nhà nước về tiêu chí quy hoạch, cũng như việc sử dụng công nghệ để vận hành nghĩa trang. Việc thu hút đầu tư xây dựng mô hình công viên nghĩa trang ở TP Sơn La là mô hình tiên tiến. Theo quy định hiện hành, đối với nghĩa trang cát táng còn được phép xây dựng trong đô thị với khoảng cách cự ly an toàn về môi trường chỉ cần 100m trở lên là đạt”, ông Khôi nói.
Cùng trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La cho biết, công nghệ hỏa táng tại lò hỏa táng ở nghĩa trang nhân dân TP Sơn La dự kiến sẽ là công nghệ tabo của Thụy Điển, rất tiên tiến. Sở dĩ lò hỏa thiêu tại một số địa phương như Hải Dương, Văn Điển (Hà Nội)… quá trình hoạt động có khói, mùi khét… là do các lò hỏa thiêu này sử dụng công nghệ của Mỹ, công nghệ này khởi động nguội và có nhiều điểm không phù hợp với quy định về môi trường hiện nay.
“Bài học thực tiễn thì các nghĩa trang mà xây dựng theo mô hình Công viên tưởng niệm, như ở Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên tại Phú Thọ, tại Thanh Hóa, hay ở Hoa Viên Bình Dương thì đều rất đẹp. Các nghĩa trang này đều có lò hỏa thiêu đang dùng công nghệ tabo của Thụy Điển, là một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay và đã được áp dụng tại Việt Nam.
Ví dụ như ở Phú Thọ đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2014. Suốt 4 năm nay đều có cơ quan quản lý về môi trường tại tỉnh Phú Thọ kiểm tra, giám sát về môi trường. Họ có những mẫu quan trắc về khí thải, nước thải… tất cả đều được so sánh với tiêu chuẩn quy chuẩn. Nếu không đạt thì nghĩa trang này đã phải dừng hoạt động rồi”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, từ thực tế số gia đình có nhu cầu hỏa táng khi người thân qua đời ở TP Sơn La tăng cao, cụ thể năm 2017 là 99/294, hơn 10 tháng năm 2018 là 102/291. Vì vậy, việc xây dựng lò hỏa táng tại TP Sơn La là cần thiết, giúp tiết kiệm về thời gian, sức khỏe, tài chính cho người dân khi phải đưa người thân về hỏa táng tại các tỉnh miền xuôi.
Về việc chọn địa điểm quy hoạch xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, ông Nguyễn Hoàng Hà cho biết, khu vực này đúng là vùng trũng. Tuy nhiên, do địa chất ở TP Sơn La chủ yếu là các dãy núi đá vôi, đá tai mèo; nhiều nơi đào sâu xuống 1-2m đã gặp ngay các tảng đá nguyên khối. Vì vậy, việc chọn khu vực cao ráo để xây dựng nghĩa trang là không phù hợp./.
Theo Lan ThùyVOV