Truyền thông du lịch Việt Nam - thách thức lớn cần vượt qua

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:47 [GMT+7]

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh cho rằng công tác truyền thông, quảng bá làm sao để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam
 
Diễn đàn đối thoại công - tư cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức cho ngành Du lịch. Diễn đàn đã quy tụ hơn 1 nghìn chuyên gia, các cơ quan, tổ chức quốc tế uy tín, các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ các giải pháp phát triển du lịch.
 

1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.


Dự phiên toàn thể với chủ đề "phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững, tầm nhìn 2030" sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: truyền thông cũng là bài toán được đặt ra với du lịch Việt Nam; làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu”.

Tại Diễn đàn, các diễn giả cho rằng: Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch nhưng chưa khai thác hiệu quả, cũng như khâu quảng bá còn nhiều hạn chế. Đây là thách thức lớn mà Việt Nam cần vượt qua.
 
Ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng: Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Một thương hiệu sẽ giúp nâng cao nhận thức nhưng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách.

“Thứ nhất là tạo thương hiệu, làm sao để có mạng lưới thương hiệu và xây dựng thương hiệu tới các du khách tiềm năng và sau đó chuyển các thương hiệu đó thành thông điệp cụ thể, cho họ những lý do tại sao họ nên đến đây. Để bổ sung thương hiệu và xây dựng nhận thức chúng ta cần có nguồn ngân sách cho phát triển du lịch. Để cho mọi người biết đến Việt Nam, cho họ có lý do đến Việt Nam thì điều thứ 2 là giúp cho họ thấy đến Việt Nam như liên quan đến Visa, kết nối đường máy bay có nhiều tuyến bay hơn”, Ông John Lindquist nói thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng: Chính phủ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp, hỗ trợ nhiều hơn về pháp lý, chế tài, nếu được thông qua các chính sách thì doanh nghiệp nước ngoài có thể hỗ trợ hết khả năng.

Song song với đó là tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế, tiếp tục hoàn thiện việc thực hiện thị thực điện tử. Nếu mở rộng chính sách này có thể giúp tăng 25% lượng khách từ các quốc gia như Anh, Australia, New Zealand tới Việt Nam.

Ông Brent Hill- Giám đốc Marketing, Hội đồng Du lịch Nam Australia cho biết: “Tôi nghĩ để người dân Australia đến Việt Nam nhiều hơn, việc đầu tiên là kết nối đường bay, cần nhiều đường bay thẳng tới Australia. Mặt khác, người Australia thích tới Việt Nam bởi họ được trải nghiệm sự chân thực nơi đây, bản thân tôi cũng thích ẩm thực Việt. Nếu Việt Nam đẩy mạnh phát triển du lịch để tăng trải nghiệm thực tế cho du khách, chắc chắn sẽ tạo ấn tượng và thu hút cũng như đạt sự quay trở lại của du khách nhiều hơn”.
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng trường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn.

Tuy nhiên, khi tốc độ phát triển nhanh sẽ đến một ngưỡng không thể giải quyết các thách thức trước mắt trong một đến hai năm ví dụ như trong lĩnh vực hàng không, sân bay.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, truyền thông cũng là bài toán được đặt ra với du lịch Việt Nam, đó là: “làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu?”

Phó thủ tướng lưu ý phát triển du lịch cần ưu tiên, tập trung vào chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm tốt hơn; đồng thời, phải triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, phát triển du lịch.

“Câu hỏi đặt ra hiện nay là chúng ta chỉ có “1 số triệu đô la” bằng 1 vài phần trăm so với các nước, làm sao để có thể quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam. Cái đó chỉ có thể là “công nghệ thông tin”. Làm sao chúng ta giải quyết được tình trạng thiếu hướng dẫn du lịch để biết ngôn ngữ các nước; làm sao chúng ta giải quyết hàng loạt vấn đề để kết nối, đi lại, mua bán… tất cả chỉ có thể là công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thêm./.

 

 

Theo Lại Hoa/VOV

.