Nậm Pồ thực hiện tinh giản biên chế
Điện Biên TV - Huyện Nậm Pồ đã xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức trên địa bàn. Việc tinh giản biên chế đảm bảo đúng lộ trình, công khai, dân chủ, đúng đối tượng; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng Đề án về tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trên toàn huyện triển khai chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động phù hợp nhưng không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng Đề án về tinh giản biên chế và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài để từng bước thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính |
Trước hết, huyện tập trung công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện tinh giản biên chế. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài để từng bước thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, bố trí sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lao động; ổn định về tư tưởng, để cán bộ công chức, viên chức yên tâm công tác. Mục tiêu đến hết năm 2021 sẽ giảm ít nhất 10% biên chế của mỗi đơn vị và tuyển dụng không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã tinh giản.
Từ nay đến năm 2021, công tác tinh giản biên chế trên địa bàn huyện sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi Nậm Pồ là huyện mới thành lập, cán bộ phần lớn trẻ tuổi nên không có các chỉ tiêu như: Về hưu trước tuổi, bố trí công việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Hiện nay, huyện Nậm Pồ chủ yếu thực hiện tinh giản theo hình thức buộc thôi việc ngay.
Tuy nhiên, việc buộc thôi việc cần có thời gian, quá trình đánh giá, nhận xét theo đúng quy định. Song đến nay, các quy định, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa chi tiết, rõ ràng dẫn đến các kết quả đánh giá còn chung chung, khó phân loại. Đơn cử như đối tượng là giáo viên.
Để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên phải dựa vào chất lượng giáo dục, chất lượng học sinh. Đa phần giáo viên trên địa bàn đều có đủ trình độ, bằng cấp và rất nhiệt tình, tâm huyết nhưng Nậm Pồ là huyện biên giới khó khăn, giao thông trắc trở, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp nên học sinh đến lớp không đều; giáo viên thường xuyên phải đến bản, gia đình học sinh để vận động học sinh ra lớp.v.v… là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, chất lượng học sinh. Nếu cứ áp dụng đúng theo quy định thì cũng rất khó.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng gần 3 năm qua, đơn vị vẫn thực hiện nghiêm túc, đúng quy định đối với công tác tinh giản biên chế. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Phòng giáo dục và đào tạo huyện đã tinh giản 15 biên chế. Các đối tượng tinh giản chủ yếu có trình độ chuyên môn yếu, sức khỏe không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tuy vậy, hiện nay toàn huyện có hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục. Đội ngũ này hầu hết là cán bộ, giáo viên trẻ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Nếu thực hiện tinh giản 10% tương đương với hơn 100 cán bộ, giáo viên sẽ gây khó khăn cho công tác giảng dạy, đặc biệt là tại các điểm trường, điểm bản xa khu vực trung tâm. Song với tình hình thực tế của địa phương, Phòng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW và các hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về công tác tinh giản biên chế.
Xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính một cách chặt chẽ, phù hợp gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việctừ đó có cơ sở xác định đúng tối tượng tinh giản biên chế. |
Tinh giản biên chế góp phần thu gọn bộ máy, đồng thời thúc đẩy cán bộ công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường trong công việc nhưng công tác tinh giản biên chế của huyện cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đội ngũ cán bộ, công chức viên chức làm việc tại các cơ quan, UBND xã còn thiếu, một người phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Sự bất cập, chưa đồng bộ trong quy định về đối tượng, điều kiện làm ảnh hưởng đến kết quả tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị.
Chính vì thế dẫn đến có tình trạng không quyết liệt trong thực hiện tinh giản biên chế theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”. Ðến thời điểm hiện tại, huyện Nậm Pồ đã tinh giản được 20 biên chế, đạt 7,4% so với kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt. Có thể thấy rằng dẫu đã cố gắng nhưng con số đó còn khá xa so với mục tiêu đến năm 2021 của huyện Nậm Pồ.
Đối tượng tinh giản biên chế của huyện chủ yếu là công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế trong đó có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Tuy nhiên, để có thể phân loại những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ là điều khá khó khăn trong khi các quy định, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng.
Thêm nữa, chủ trương của cấp trên về sáp nhập các bản có ít dân cư để giảm đầu mối những người hoạt động không chuyên trách ở bản có thể khó thực hiện ở Nậm Pồ, bởi địa hình đồi núi chia cắt, các nhóm dân cư ở cách xa nhau có nơi tới hơn 5km. Nếu sáp nhập sẽ khó cho công tác quản lý, bám nắm địa bàn của chính quyền cũng như các hoạt động của người dân.
Giải pháp trong thời gian tới của huyện nhằm đạt được mục tiêu Đề án là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị góp phần đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.
Xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính một cách chặt chẽ, phù hợp gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với vị trí việc làm từ đó có cơ sở xác định đúng tối tượng tinh giản biên chế. Tập trung đánh giá khách quan, sát với việc thực hiện nhiệm vụ được giao của công chức, viên chức theo đúng quy định.
Việc đánh giá phân loại khách quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đây là căn cứ để xem xét cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục đưa vào đối tượng tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị định số 108/2014/NÐ-CP. Ngoài ra, huyện chỉ đạo thực hiện kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, bản để giảm số lượng người hưởng phụ cấp từ ngân sách.
Thực tế tại xã Phìn Hồ, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện việc phó chủ tịch ủy ban MTTQ xã kiêm nhiệm chức danh phó chủ tịch Hội Người cao tuổi; sắp tới sẽ giảm chức danh phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, chỉ giữ lại chức danh chủ tịch.
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm trtình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại huyện Nậm Pồ tháng 2/2017 |
Cùng với “giản”, huyện Nậm Pồ chú trọng đến việc rà soát vị trí, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp, nhằm sắp xếp bộ máy công vụ tinh gọn, khoa học theo hướng giảm đầu mối.
Ðồng thời, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đổi mới, cải tiến nội dung, chương trình và phương thức đào tạo cho phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh theo hướng tăng cường năng lực điều hành, xử lý công việc, đa dạng hóa hình thức đào tạo. Quan trọng nhất là đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng, với thực hành để nâng cao hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức huyện Nậm Pồ.
Với lộ trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy trên địa bàn huyện Nậm Pồ sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN