Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Biên
Điện Biên TV - Thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn tại 25 xã của huyện Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Năm 2017, là năm huyện có tới 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình vận động cán đích nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện Điện Biên thời gian vừa qua, đã để lại những bài học kinh nghiệm bổ ích cho các xã phấn đấu chạm đích nông thôn mới trong năm tiếp theo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến thời điểm hiện nay, huyện Điện Biên có 9/25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới ở huyện Điện Biên đã đạt những kết quả bước đầu, diện mạo nông thôn tại 25/25 xã trên toàn huyện đã có sự đổi thay, khởi sắc.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của huyện đạt cao so với các huyện khác trong tỉnh như: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% ; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt hơn 87% ; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện từ các nguồn điện đạt hơn 94% ; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới đạt gần 80%.
Đường bê tông liên thôn C17A - C17B - C17C (xã Thanh Xương) được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. ảnh KT |
Những kết quả đạt được từ năm 2016 đến nay là các cấp ủy, chính quyền của huyện tập trung chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Làm đường giao thông thôn bản, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội thôn ; làm đường nội đồng và kiên cố hóa kênh mương ; xây dựng các công trình phúc lợi. Để quá trình phấn đấu cán đích nông thôn mới của các xã được thuận lợi, huyện cũng đã xây dựng chương trình kế hoạch, tập trung đầu tư hỗ trợ cho các xã có nhiều thế mạnh hoàn thiện 19 tiêu chí NTM, các xã khó khăn sẽ được đầu tư từng bước để thực hiện vững từng tiêu chí.
Xã cán đích nông thôn mới năm 2017, bà con Nhân dân Thanh Xương rất phấn khởi. Đã bước vào những tháng cuối năm 2018, người dân đội 7 vẫn tiếp tục cùng địa phương chỉnh trang thêm đường làng ngõ xóm. Từ nay đến giữa năm 2019 xã sẽ sử dụng nguồn vốn của địa phương, đổ bê tông hơn 4 km đường ngõ dẫn vào các hộ và nhóm hộ gia đình. Bà con đội 7 sẽ tiếp tục đóng góp cùng xã để có được đường làng ngõ xóm đi lại sạch đẹp, thuận tiện.
Trong hai năm 2016 – 2017, phấn đấu cán đích nông thôn mới, bà con đội 7, xã Thanh Xương đã đóng góp hơn 400 triệu đồng để làm đường và xây dựng nhà văn hóa. Thấy được lợi ích thiết thực từ việc nâng cấp đường xá và xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng, bà con nhân dân trong đội nhiệt tình hưởng ứng và đóng góp.
Xã Thanh Xương là một trong 10 xã thuộc vùng lòng chảo huyện Điện Biên có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2011, tham gia chương trình XDNTM xã có tỉ lệ hộ nghèo chiếm 7,49% ; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm, xã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.
Xác định Thanh Xương là xã có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, các khu dân cư sinh sống tập trung, mạng lưới đường giao thông liên thôn bản đi lại khá thuận lợi, huyện Điện Biên đã chỉ đạo xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận để người dân chủ động, tích cực cùng Nhà nước bắt tay vào làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Sự đồng thuận của Nhân dân đã giúp Thanh Xương hoàn thiện nhiều tiêu chí quan trọng trong giai đoạn phấn đấu về đích NTM như: Tiêu chí giao thông, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí thu nhập, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Từ 2016 đến hết năm 2017, Thanh Xương đã huy động các nguồn vốn lồng ghép đầu tư cứng hóa 18/21km đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản.
Gần 5 km đường ngõ xóm cũng được trải nhựa và đổ bê tông. Nhân dân các thôn bản góp đất, góp công xây dựng nhà văn hóa. Để nâng cao thu nhập cho người dân xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào sản xuất các cây, con giống có năng suất, chất lượng cao gắn với phát triển hình thức hợp tác liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như mô hình trồng rau, quả sạch, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Ngoài cùng bên trái) trao Bằng chứng nhận xã đạt chuẩn NTM cho đại diện lãnh đạo xã Thanh Xương. |
Tập trung phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của xã từ 2016 đến 2017 đã được nâng lên từ 23 triệu đồng/người/năm lên 26 triệu đồng/người/năm. Tạo sự đồng thuận trong nhân dân để mọi người chủ động, tích cực vươn lên và đóng góp xây dựng nông thôn mới là bài học kinh nghiệm của xã Thanh Xương
Bên cạnh xã Thanh Xương, Thanh An cũng là một trong các xã cán đích NTM năm 2017 ở huyện Điện Biên. Xác định các tiêu chí NTM về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân như: Tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo là các tiêu chí quan trọng, trong giai đoạn về đích NTM xã Thanh An đã tập trung nguồn lực cho các tiêu chí này.
Trồng trọt chăn nuôi theo mô hình trang trại và gia trại tổng hợp vốn là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở Thanh An. Đây là cơ sở để xã xây dựng các mô hình sản xuất mới mang lại giá trị kinh tế cao. Mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất lúa chất lượng cao của bà con nông dân trên khu vực cánh đồng Trại giống, thực hiện nhiều năm nay tiếp tục được phát huy. Ba năm gần đây nông dân Thanh An còn liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Safegreen, xây dựng chuỗi sản xuất nông sản sạch, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.
Lồng ghép các nguồn lực và vận dụng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được phân bổ, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua Thanh An đã tạo cho người dân cơ hội việc làm giúp ổn định đời sống. Xã cũng khuyến khích nông dân phát triển nghề phụ nâng cao thu nhập. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, hoàn thiện các tiêu chí quan trọng tác động trực tiếp tới đời sống người dân nông thôn, xã Thanh An đã phát động phong trào thi đua “Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Thanh An tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới”.
Các phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi"; "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình"; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và nhiều phong trào thi đua do các hội, đoàn thể phát động cũng được đẩy mạnh và được có ảnh hưởng sâu, rộng trong đời sống Nhân dân. Kinh tế phát triển đã trở thành động lực giúp Thanh An hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017 Thanh An đã về đích NTM với tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90% ; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo còn 10%.
Công nhân Công ty TNHH Safe Green trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Thanh An (huyện Điện Biên). ảnh KT |
Nhìn lại kết quả đạt được trong chương trình XDNTM của huyện Điện Biên từ năm 2016 đến nay chúng ta có thể thấy, mỗi xã trên địa bàn huyện đều có thế mạnh riêng. Bên cạnh việc tuyên truyền vận động để có được sự đồng thuận của Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn, các xã đã phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương để vươn lên.
Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng khiến bộ mặt nông thôn trong huyện đổi thay rõ rệt. Đến nay, 25 xã trên địa bàn đã được xây trụ sở làm việc kiên cố, khang trang. Huyện cũng đã nâng cấp, sửa chữa được hơn 10km đường trục xã, liên xã, cứng hóa được hơn 100km đường trục thôn, đường ngõ xóm, giúp người dân đi lại, thông thương thuận lợi.
Thực hiện chương trình XDNTM gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng: Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Điện Biên cũng đã phát triển được vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại vùng lòng chảo Mường Thanh. Các xã đang tiếp tục triển khai chương trình: “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển toàn diện, chương trình NTM đã giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn huyện Điện Biên ngày một nâng cao. Huyện cũng đã có được nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM.
Với những kết quả đã đạt được trong 3 năm vừa qua và với kinh nghiệm thực tiễn về chỉ đạo, thực hiện chương trình XDNTM, huyện Điện Biên đã xác định được hướng đi và xây dựng được kế hoạch cụ thể cho lộ trình tiếp theo. Giai đoạn 2019-2020 huyện phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đã cán đích NTM từng bước triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình XDNTM là chương trình thực hiện lâu dài. Chúng ta hy vọng sẽ có nhiều khởi sắc ở các xã vùng cao Điện Biên trong những năm tiếp theo.
Minh Giang /DIENBIENTV.VN