Lả Chà hôm nay
Điện Biên TV - Cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ sau khi định cư đã thực sự thay đổi. Không chỉ biết canh tác lúa nước, đồng bào đã thay đổi cả nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế; cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dân bản Lả Chà đang nỗ lực vươn lên để xóa đói giảm nghèo và gây dựng cuộc sống mới.
Theo lời kể của các cụ già, bản Lả Chà được thành lập từ năm 1962, sau nhiều lần di chuyển chỗ ở và cuối cùng người dân trong bản đã định cư bên dòng Nậm Chà. Vì nằm ở cuối dòng suối nên bản có tên là Lả Chà, tức là bản “em út”. Ban đầu, bản chỉ có 13 nóc nhà với 60 nhân khẩu. Qua hơn 50 mùa dòng nước Nậm Chà lên rồi lại xuống, giờ đây Lả Chà là nơi định cư của hơn 60 hộ với gần 350 nhân khẩu.
Một góc bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên |
Bản Lả Chà chỉ cách Quốc lộ 4H khoảng 15 cây số. Đường vào bản nay đã được đổ bê tông thuận tiện cho bà con đi lại. Chỉ mất khoảng 30 phút tính từ Quốc lộ 4H, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm bản Lả Chà. Được Đảng, Nhà nước hỗ trợ cùng với sự cố gắng của bà con nên diện mạo của bản đang dần đổi mới, đời sống bà con ổn định và từng bước phát triển.
Những ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang san sát hai bên dòng Nậm Chà; những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt; trường học, công trình thoát nước được đầu tư đồng bộ. Thông qua các Chương trình 134/CP, Chương trình 135/CP, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi; hạ tầng giao thông nông thôn; đưa điện lưới quốc gia về bản.
Đến nay 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Các chương trình, dự án còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.v.v… giúp người dân từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
100% hộ dân trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia |
Từ chỗ chỉ canh tác trên nương, nay bà con đã canh tác cả ruộng lúa nước. Hiện nay cả bản có 12ha lúa một vụ, 30ha lúa nương và 40ha các loại cây trồng khác. Sản lượng lương thực bình quân đạt 420kg/người/năm. Vào bản không khó để bắt gặp những vườn rau xanh của bà con canh tác cạnh suối, mỗi gia đình có một vườn rau xanh không những thể hiện sự cần cù, chịu khó của đồng bào nơi đây, mà còn là một minh chứng về thay đổi tập quán trồng trọt của dân bản.
Cùng với đó, việc phát triển chăn nuôi cũng được bà con chú trọng với đàn trâu, bò gần 100 con, đàn lợn hơn 400 con. Được biết những năm gần đây, bà con nuôi nhiều lợn vừa có thực phẩm phục vụ cuộc sống sinh hoạt và bán ra thị trường, tăng nguồn thu trong gia đình. Nhờ cần cù trong lao động, nhiều hộ gia đình từ chỗ thiếu đói, nay đã vươn lên đủ ăn và thoát nghèo.
Không ít gia đình trong bản đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại; bản có 60% số hộ có ti vi, xe máy; 70% hộ có nhà kiên cố, khang trang; 25% hộ có máy tuốt lúa, ngô loại nhỏ. Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, người dân cũng quan tâm hơn tới việc học hành của con cái, tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng không còn. Hiện nay, điểm trường tại bản có 6 phòng học với 2 lớp mầm non và 4 lớp tiểu học. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi ở bản Lả Chà đạt 100%.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi ở bản Lả Chà đạt 100%. |
Vừa qua, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” đã hỗ trợ kinh phí để người dân khôi phục lại trang phục và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cống. Hiện nay, mỗi gia đình đều có ít nhất 2 bộ trang phục truyền thống.
Cùng với đó, trong các buổi sinh hoạt bản, các già làng truyền cho các thế hệ con cháu những bài hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một. Bản Lả Chà của dân tộc Cống là cộng đồng hình thành lâu đời, gắn liền với vùng đất này. Qua các giai đoạn, đồng bào trong bản luôn chấp hành rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Sản lượng lương thực bình quân đạt 420kg/người/năm, Cộng đồng dân tộc Cống nói chung và ở bản Lả Chà nói riêng, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn |
Tuy nhiên do nhiều yếu tố đặc thù, cộng đồng dân tộc Cống nói chung và ở bản Lả Chà nói riêng, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển dân tộc. Là dân tộc thiểu số ít người, nguy cơ lớn nhất đối với đồng bào chính là suy giảm giống nòi do hôn nhân cận huyết thống. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân trong bản Lả Chà không ngừng vươn lên về mọi mặt.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của Đảng và Chính phủ, thông qua các chương trình dự án đặc thù. Tuy nhiên, để mục tiêu bảo tồn và phát triển dân tộc có hiệu quả và bền vững thì, ý thức vươn lên của chính người dân Lả Chà trong phát triển kinh tế, cũng như gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mới là yếu tố quan trọng và then chốt./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN