Vượt biên lao động trái phép ở Tây Bắc: Chưa đổi đời đã đổi mạng

Thứ Hai, 19/11/2018, 16:22 [GMT+7]

 Vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động với giấc mơ đổi đời nhưng chỉ thấy chuỗi ngày đói khát, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người
 
Mong muốn có một công việc ổn định, thu nhập cao, đời sống khấm khá là ước mơ chính đáng của tất cả mọi người, đặc biệt là đồng bào miền núi vùng cao Tây Bắc còn nhiều khó khăn.
 

1
Chảo Láo Sử bị cụt một cánh tay phải khi làm thuê ở biên giới.


Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan như thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, nhiều người thay vì tự nỗ lực, phấn đấu bằng chính sức lực của mình thì lại nhẹ dạ, cả tin, nghe lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, tìm cách vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động với giấc mơ đổi đời.

Để rồi sung sướng đâu chẳng thấy, chỉ thấy những chuỗi ngày dài chịu cảnh đói khát, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người. Nhiều gia đình lâm vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, lao động chính đã không còn, gia đình đã khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn.

Thực tế này đang là hồi chuông báo động ở các tỉnh khu vực Tây Bắc, khi ngày càng nhiều lao động vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động, và các vụ tai nạn do vượt biên trái phép ngày càng gia tăng.

Những chuyện đau lòng chưa có hồi kết

Anh Chảo Láo Sử, dân tộc Dao, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những nạn nhân của vụ lật xe tại huyện biên giới Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) cách đây hơn 3 năm, khiến 21 lao động làm thuê là người Việt thương vong. Nghĩ lại thời khắc xe lật xuống vực, anh Sử vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi. Khi đó, anh vừa hoàn thành chương trình đại học, nghe mọi người rủ qua biên giới vác chuối thuê sẽ kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng tiền chưa cầm về tay thì đã gặp nạn, mất một cánh tay phải, tấm bằng Đại học Thủy lợi bấy lâu nay cũng vẫn nằm nguyên trong tủ: “Không đi làm xa được, chỉ ở nhà chăn nuôi, hồi mới về bạn bè còn nhờ làm giúp ít việc liên quan đến máy tính nhưng giờ cũng thôi rồi. Mình chỉ muốn nhắn nhủ mọi người nếu như có sang bên kia lao động thì cần phải có giấy phép và phải chú ý an toàn”.

Vì cuộc sống gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định và thiếu đất sản xuất nông nghiệp, nên chị Nguyễn Thị Lượng ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái quyết định "đi chui" sang Trung Quốc làm thuê kiếm thêm tiền để trang trải cuộc sống. Thế nhưng mới chỉ được 1 tháng thì bị Công an Trung Quốc phát hiện trục xuất về nước. Chẳng thấy tiền đâu, sức khỏe thì kiệt quệ, chị Lượng rơi vào cảnh khó khăn tột cùng. Chị Lượng cho biết, sang đấy nói chung là vất, nếu không chịu tải được là bị đánh.

Chồng mất chưa lâu, người con trai duy nhất cũng vừa bỏ mạng nơi xứ người. Nước mắt bà Trần Thị Chinh ở xã Tuy Lộc, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái như đã cạn khô. Ân hận, day dứt, giờ bà chỉ mong thời gian quay trở lại để bà kiên quyết ngăn cản không cho con mình vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động.

Bà Chinh nghẹn ngào kể: “Cháu đi làm thì bảo ở xa lắm, đi về tốn kém nên con đi đến tết mới về một lần, chứ nếu đi lại nhiều thì không đủ tiền. Từ hồi cháu đi thì cũng chưa có gửi được đồng nào về nhà cả. Thế rồi đùng một cái bên kia gọi điện báo về là chết rồi”.
 

1
Nhiều em nhỏ ở bản chịu cảnh xa bố mẹ đi làm ăn xa.


Nỗi đau cũng vừa ập đến gia đình bà Nguyễn Thị Dụng ở phường Minh Tân, TP.Yên Bái. Xuất cảnh trái phép, khi lâm bệnh không được cấp cứu kịp thời, con trai bà đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê người. “Tối thấy con bảo kêu đau ngực, vợ nó mới gọi mấy người ở cùng, toàn là người Việt Nam. Mọi người chạy sang đưa đi viện, đến viện đã chết rồi. Giờ vẫn không làm được giấy báo tử vì mình đi lao động sai, không phép, không biết chết như thế nào nên chính quyền không cấp giấy báo tử”.

Nằm bất động trên giường bệnh tại Khoa Ngoại - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, anh Khoàng Văn Khu ở bản Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đau đớn kể: Tối hôm vượt biên, nhóm lao động người Việt được một người đàn ông Trung Quốc sang dẫn qua đường mòn vượt biên hơn 4 tiếng đồng hồ. Điểm dừng chân là một dãy nhà lán nằm bên vệ sông, công việc hàng ngày là bốc vác hàng từ tầu lên ô tô.

Sáng hôm sau người quản lý ở đó gọi dậy ăn cơm để chuẩn bị đi làm thì anh thấy hầu hết mọi người ở đó đều được phát cho một tép hê rô in. Sau hai ngày hãi hùng và không chịu được công việc nặng nhọc, lợi dụng buổi sáng sớm đi vệ sinh, anh cùng một người khác bỏ trốn và bị nhóm quản lý ở đó truy đuổi. Dù bị rơi từ trên vực xuống, mất máu nhiều, nhưng anh vẫn bơi được qua sông về Việt Nam, tại đây được người dân giúp đỡ nên thoát nạn.

“Nó bảo một ngày đi làm được 700 đến 800 nghìn đồng, đi làm bốc đường, bốc cả đêm, từ 6 giờ tối đến 3, 4 giờ sáng. Ở đó nghiện nhiều quá, cứ một ngày nó phát thuốc cho 3 lần như cho gà ăn. Tôi sợ thì bảo mấy anh em rủ nhau trốn, xong nó đuổi bắt được 2 anh em, còn tôi thì rơi xuống vực. Bị thương máu ra nhiều, tôi liều mình bơi qua sống thì gặp hai ông bà đi lấy dứa họ đưa về băng bó cho” - Anh Khu nói.

-  6 tháng đầu năm ngoái, Lai Châu đã có hơn 50 nghìn lượt lao động làm thủ tục xuất nhập cảnh qua biên giới, trong đó chủ yếu là người dân địa phương đi làm thuê.
-   Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, số lao động vượt biên trái phép mà lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả cao gấp nhiều lần so với vùng kì năm trước, với gần 100 trường hợp.
- Tại Điện Biên, riêng 6 tháng đầu năm, hơn 1.200 trường hợp vượt biên đi lao động, nâng tổng số người đi trong 2 năm trở lại đây lên đến con số hơn 4.000 người với khoảng 48.000 lượt đi.
-  Đây là những con số biết nói cho thấy độ nóng và sự phức tạp của vấn đề vượt biên trái phép đi lao động nước ngoài trên địa bàn Lai Châu, Điện Biên hiện nay.


Số lượng người đi lớn càng làm gia tăng nhiều hệ lụy về xã hội và khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự chính trị, ổn định đời sống. Một số người dân đi xuất cảnh về nước cho biết đã phải sống chui lủi trong rừng để tránh bị cơ quan chức năng của nước sở tại phát hiện, bị bắt giữ hoặc bị quỵt tiền công. Công việc không giống hoàn toàn như lời mời gọi trước khi đi và phải chịu những chuỗi ngày dài đói khát, thậm chí bị đánh đập. Nhiều gia đình xác định đi làm ăn thời gian dài, nên đưa cả con nhỏ đang ở trong độ tuổi ăn học đi theo, ảnh hưởng tới học tập, nhà cửa không ai trông nom. Thực trạng này đã kéo theo hoạt động buôn bán người và tình trạng buôn bán ma túy gia tăng.

Thiếu việc làm, nhẹ dạ cả tin, nhiều người dân ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc đã bỏ lại tính mạng nơi xứ người, những người trở về cũng lâm vào cảnh khốn khổ khi bị bệnh tật, sức khỏe giảm sút, kinh tế càng kiệt quệ. Vậy vì sao tình trạng người dân ở Tây Bắc vượt biên đi lao động lại dễ dàng và ngày càng báo động như vậy.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng bài 2 loạt phóng sự với nhan đề “Những lối mòn chưa tìm ra lối thoát”./.

 

 

Theo VOV

.